tieuvinhngoc

Xuyên Việt gặp những người “đứng dậy từ bóng tối”

30/06/2020 Admin 0 Bình luận

(VTC News) – “Trong cuộc hành trình gian khổ của cuộc đời, sai lầm đã đưa tôi đến bờ vực thẳm. Những làn khói ảo, những cuộc vui không bờ bến đã bòn rút cơ thể và trí óc, khiến tôi những tưởng mình không thể đứng dậy thành người được nữa. Nhưng thực tế thì cuộc sống sẽ không bao giờ hết cơ hội nếu như ta biết hi vọng…”

Tiếng than dài ấy cứ vang vẳng mãi bên tai khi chiếc xe chở chúng tôi tiếp tục lăn bánh dưới ánh trăng mờ. Phía xa là vun vút những vạch nối dài không rõ địa giới trên đường Hồ Chí Minh. Khởi hành từ Hà Nội, 23h đêm chiếc xe dừng bánh trước cửa một khu trại cai nghiện nằm sâu trong con ngõ thuộc Phố Xấu, Yên Thủy, Hòa Bình. Khu trại rộng, được bài trí rất gần gũi với thiên nhiên nào là bonsai, gỗ lũa, bao quanh bởi luống dọc mùng ướt đẫm sương đêm.

Khuya rồi cả khu trại vẫn sáng đèn, năm bảy người lưng trần ngồi tụm lại bên ấm chè đặc sánh, phì phèo khói thuốc. Việc chúng tôi xuất hiện giữa đêm không hề làm cho buổi trò chuyện của những “dị nhân” giảm phần hưng phấn. Vóc người chừng 40 kg, anh Nguyễn Văn Hà quê ở Điện Biên lí nhí: “30 năm trước đây em nặng gần 65 cân, da dẻ hồng hào, đẹp trai phết! Kể từ ngày bập vào hàng đen, sau đó là trắng, rồi chích…giờ trông mới nhom nhom thế này”.

Dưới tán cây rợp bóng mát, các thành viên của một trại cai nghiện ngồi trò chuyện vui vẻ và không có dấu hiệu của sự mệt mỏi, thèm thuốc

Ngồi đối diện anh Hà là một dáng vẻ phổng phao hơn, nhưng từ ánh mắt, làn da cho đến đôi môi đều tố cáo chủ nhân từng là một “chiến hữu” của ma túy. Nhấp chén trà đặc, rồi bằng cái giọng Thanh Hóa đặc trưng, Lê Dũng giãi bày: “Hơn 20 năm sống chung với thuốc là những ngày tháng tôi khổ nhục nhất. Cái “bóng ma” khốn nạn xộc vào trí mình lúc nào không biết, cuốn mình vào vòng xoáy u mê. Để khi bừng tỉnh lại, nhiều thứ đã vuột ra khỏi tầm tay…”

Là hai trong số những người ở trại đã chiến thắng được “nàng tiên trắng”, Hà và Dũng đã đề nghị được xin ở lại một thời gian để giúp chủ trại điều phối thuốc thang và hướng dẫn người mới. Ngày đầu cai xong và được làm việc, hai người nhận đồng lương dẫu ít ỏi mà tay không khỏi run run. Điều khiến hai anh cảm thấy vui nhất là được gặp những người bạn cùng cai nghiện quay trở lại trại, không phải vì tái nghiện mà là để hàm ơn cái nơi đã đưa họ trở lại kiếp người.

Nói với theo chúng tôi khi đoàn lên đường xuôi miền Trung, trại chủ Tiêu Thành Long – người đã rời bỏ ma túy được 7 năm – thành thật: “Nếu các anh ở lại tới mai sẽ được gặp một đôi vợ chồng đã từng cai nghiện ở đây mang biếu trại chục cân gà mà họ tự nuôi. Những khoảnh khắc như thế chúng em vui lắm, vui đến ứa nước mắt…”

Trời về khuya hẳn, đường Hồ Chí Minh lộng gió. Từ đường cái thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An, ô tô vòng vèo theo một con đường đầt bụi mù. Sát cánh đồng lúa đang rộ chín, thêm một lần nữa cái quang cảnh ấy lại hiện ra khiến cho mọi người trong đoàn chúng tôi dù đã mệt rã rời nhưng vẫn phải bừng tỉnh. 3h sáng, hơn chục “dị nhân” vẫn thao thao mắt ngồi cà kê với nhau không mệt mỏi. Nguyễn Đình Minh (SN 1977), ở xã Nghĩa Thái, Tân Kỳ, Nghệ An từng vào sinh ra tử và kiếm bạc tỷ với nghề buôn gỗ trên tận đất Mộc Châu – Sơn La. Nhưng như định mệnh, năm 1995 anh Minh “làm bạn” với thuốc phiện. Cũng phải ngót nghét 14 năm, đến khi đoạn tuyệt với “hàng trắng”, gia sản của Minh chỉ còn lại người vợ hết mực thương yêu và những đứa con thơ hàng ngày đợi bố lĩnh lương từ khu trại trở về.

Nhiều người tìm đến các trại cai nghiện này đều là do tự nguyện và có sự giám sát của chính quyền địa phương

Nhiều người tìm đến các trại cai nghiện này đều là do tự nguyện và có sự giám sát của chính quyền địa phương

Đồng trang lứa với Minh, “chiến tích” của Trần Minh Tuấn cũng lẫy lừng không kém. 12 năm nghiện ngập, có ngày anh đốt hàng chục triệu vào tiền thuốc. Cơn mê đêm chưa qua, giấc ảo ngày lại tới. Khi đã tìm ra được lối thoát để trở lại làm người, anh bộc bạch: “Tôi chỉ tự nghĩ, đến lúc không thể trở thành quỷ được nữa thì phải mau mau trở lại làm người thôi. Tôi đi tìm thầy cai từ đó…”

Là nơi hội tụ của những kẻ nghiện ngập, khu trại này không dễ sống. Bà con hàng xóm nói ra nói vào: Tụ tập một lũ nghiện về đây thì chả mấy chốc chó gà trong làng bỗng dưng không cánh mà bay! Công an xã xuống hỏi thăm: Cấm! UBND huyện xuống kiểm tra: Đình chỉ! Rồi đủ các cơ quan ban ngành khác…Dừng lại ngay! Thế nhưng khu trại vẫn sống, bởi một lý do rất đơn giản như lời của ông Ngô Xuân Sáo, Trưởng CA xã Nghĩa Thái từng nói: “Quản lý cái trại là hai thằng từng nghiện thì ai mà không sợ! Nhưng gà không mất, chó không sủa, trâu bò vẫn cày kéo đều, nhiều học sinh nghèo trong xã lại được tiền học bổng từ khu trại… Thậm chí nhiều gia đình có người cai nghiện được đã quay trở lại tạ ơn thầy cai. Vậy là xã đành phải xét lại!”

Anh Nguyễn Tiến Thành, trú tại 123 Yên Phụ, Hà Nội, “đặc phái viên” của thầy cai cử về Nghệ An theo dõi cái trại này dí dỏm với tôi trước khi đoàn ra sân bay Vinh vào Sài Gòn: “Anh mày 20 năm trong “nghề” đến giờ sợ nhất là gì, chú biết không?… Anh sợ tiêu những đồng tiền mồ hôi công sức vào những việc vô lý. Trước giờ anh vàng đeo lủng lẳng để ra oai và bề thế với bọn đàn em, chứ giờ thì đeo vàng để giữ của cho con cái sau này”.

Các trại cai nghiện đều tạo sự thoải mái và đề cao tính tự giác của người cai

Các trại cai nghiện đều tạo sự thoải mái và đề cao tính tự giác của người cai

Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức cả Việt Nam có bao nhiêu người cai được nghiện, nhưng khi rời Tân Kỳ câu hỏi vẳng lên trong đầu tôi là các “đại gia” trong làng nghiện này cai như thế nào? Họ bỏ được thuốc phiện thật không?

So với các “tay chơi” Bắc Kỳ, Trung Kỳ thì những “tay chơi” ở Nam Kỳ cũng không kém phần “hoành tráng”. Khu trại nằm sâu trong số 64/4, khu phố 6, phường Tân Mai, TP. Biên Hòa do anh Phạm Thái Bình, một cán bộ tư pháp phường làm quản lý. Thấy chúng tôi đến nơi, một “thiếu gia” quê Vũng Tàu chạy ra hồ hởi: “Các chú về đây xem bọn nhóc này cai nghiện như thế nào phải không ạ? Thằng này con ông cốp, thằng kia em chủ tịch…lần đầu lên trại giấu trong túi gần 50 triệu nhưng bị chú Bình phát hiện đuổi về. Lần sau quay lại chúng nó nhẵn túi, cai xong giờ lại không muốn về nhà nữa chú ạ”.

Anh Hoàng Lĩnh Nhân (SN 1977) ở số 29, xẹp 141B, khu phố 3, phường Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai nghiện gần 10 năm. Đến ngày anh trở về với đời cũng là lúc cả gia đình trắng tay vì heroin. Tâm sự về quãng đời phiêu bạt, anh nói: “Qua nhiều lần thử tôi nghĩ rằng mình sẽ không cai nổi, bởi cái ảo giác ấy mạnh đến mức kẻ nhút nhát nhất cũng sẵn sàng nhảy vào lửa để chộp lấy gói thuốc khi lên cơn. Cho đến lúc này tôi thấy mình may mắn vì gặp được thầy cai”.

Không nhớ nổi bao nhiêu gia đình lên đón con về mừng rơi nước mắt, bao nhiêu cuộc điện thoại cảm ơn, anh Bình chỉ lẳng lặng nói: “Họ nên tự cảm ơn chính họ. Bởi lẽ nếu không phải vì bản thân họ muốn cai thì tôi và thầy cai cũng chẳng có cách nào giúp được”.

Những người mới đi cai thường không ngủ được về đêm

Điểm cuối đoàn chúng tôi dừng chân là một khu trại nằm sát bờ biển thơ mộng cách TP. Quy Nhơn, Bình Định chừng 15km. Đón chúng tôi là một cô gái nhỏ nhắn, nhìn qua như một nhân viên văn phòng phụ trách tại khu trại này, nhưng sau này tìm hiều mới biết chị từng là một “đệ tử” ruột của “cái chết trắng” hơn 12 năm.

Phạm Hương Thảo (SN 1981), trú tại 47/29/57, đường Trần Quốc Toản, P8, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, sinh ra trong một gia đình có ba là người Sài Gòn, mẹ người Huế. Cuộc sống vương giả nhưng thiếu tình thương của cha mẹ, cùng những thú tiêu khiển “quên đời” của đám bạn sành điệu chốn Sài Thành đã đẩy chị vào con đường nghiện ngập từ năm 16 tuổi. Hàng ngàn đô la của mẹ từ Mỹ gửi về đều được chị đốt sạch vào heroin nhưng chưa bao giờ Thảo vật vã vì thiếu thuốc: “Tôi chỉ bị vật thuốc cho tới ngày tôi nghĩ tôi phải làm lại cuộc đời và đi cai thôi”.

Cai thành công ở Thanh Hóa, chị Thảo điện cho thầy cai xin vào Quy Nhơn sống và làm việc tại khu trại này “để có thời gian tĩnh tâm nghĩ lại cuộc đời mình”. Rưng rưng nước mắt chị tâm sự: “Chỉ mới vừa cách đây 5 hôm thôi, gần 30 tuổi đầu, lần đầu tiên tôi được cầm những đồng tiền lương do mồ hôi công sức mình bỏ ra đấy anh ạ…”

Có lẽ câu chuyện khiến chúng tôi xúc động hơn cả là của một đôi vợ chồng rủ nhau đi cai tại Quy Nhơn.  Anh Phạm Minh Hiền (SN 1983), chị Mai Hoài Thu (SN 1991) trú tại 58/ lộ 15, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh từng gặp nhau trong trại cai nghiện của Thành phố. Cái duyên đã thầm nhen lên sau lần đầu đi cai, đưa anh chị đến bên nhau. Chị ra trại trước anh một thời gian, nhưng cả hai vẫn không thể đoạn tuyệt với ma túy. Được gia đình khuyên bảo cai nghiện để tu chí làm ăn, nhưng không thể làm gì nếu vẫn còn nghiện. Nghe ở ngoài Quy Nhơn có một thầy cai giỏi, anh quyết tâm đi cai thử rồi rủ chị lên cai cùng. Sự quyết tâm rồi cũng có ngày được đền đáp. Đã qua tuần thuốc yêu cầu của thầy cai nhưng anh chị vẫn xin ở lại để có thể dứt điểm với heroin.

Quang cảnh một khu trại cai ở Tân Kỳ – Nghệ An

Anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1983) trú tại P.402 No4A, bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội 11 năm nghiện hút. Sau quá trình cai nghiện ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, anh xin thầy cai cho đi theo để được làm việc cũng như giúp đỡ những người bị nghiện. Tại đây anh đã gặp được ý trung nhân của mình, một người con gái Bình Định chính gốc và không có mối liên hệ gì với ma túy. Nhưng tình yêu đã giúp chị tin tưởng vào ý chí quyết tâm của anh. Cuối năm vừa rồi, anh Kiên đưa chị ra ngoài Hà Nội để ra mắt bố mẹ. Dự định đến cuối năm nay, anh chị sẽ thành hôn.

Niềm vui cho những mảnh đời đã một thời lầm lỗi khiến tôi không thể không thán phục. Nhưng một câu hỏi dài vẫn hiện lên trong đầu: Ông thầy cai này là ai? Họ có thực sự cai được nghiện từ loại biệt dược của ông thầy cai đó? Họ có thể làm chủ được mình trước những cám dỗ của đời thường khi rời khỏi trại cai nghiện…?

Còn nữa…

Dương Lãng Hoàng

 

Miền Nam: 0902103608 Miền Bắc: 0946421182
popup

Số lượng:

Tổng tiền: