(PLVN) - Trước cám dỗ của ma túy không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả những ai nghiện ma túy đều nghĩ rằng “đã nghiện là không thể bỏ được”, nếu phải lựa chọn giữa một bọc tiền và một cục ma túy, người nghiện họ sẽ chọn cục ma túy, giữa một cô gái đẹp và một liều ma túy để đỡ vật người nghiện sẽ chọn liều ma túy. Tất cả mọi thứ đều vô nghĩa trước ma túy, ma túy là kẻ hủy hoại tất cả, từ hạnh phúc gia đình, công danh sự nghiệp cho đến các mối quan hệ, kinh tế suy kiệt, danh dự nhân phẩm mất hết, đau đớn nhất đó là hủy hoại chính bản thân mình…
“Nếu không có bản lĩnh thật sự bạn không thể đứng dậy nổi” là những chia sẻ chân thành của anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện và nhân đạo Tiêu Vĩnh Ngọc chi nhánh Thái Bình nói về nỗi ám ảnh mang tên ma túy, cùng chuỗi ngày gian nan làm lại cuộc đời của chính mình.
Từ một giảng viên đến một “thằng nghiện”
Anh Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1974 tại Thái Bình, người từng có tiền sử nghiện ma túy hàng chục năm, đứng trước chúng tôi giờ này, đang là một con người hoàn toàn khác, đã không còn là “thằng nghiện” của trước kia, mà giờ đây anh còn trở thành ân nhân cứu giúp cho bao con người cùng cảnh ngộ thoát được lệ thuộc vào ma túy, trở lại hòa nhập với cộng đồng, thành người có ích cho xã hội.
Anh vui vẻ chia sẻ với nhóm phóng viên PLVN - Nói “người nghiện” cho nó sang chứ em biết đấy, đã nghiện ma túy thì người ta quy là “thằng nghiện” hết, đến đứa trẻ con nó còn khinh rẻ, huống chi người ngoài xã hội. Khu nhà anh ở gần trường Đại học Y Thái Bình, giai đoạn năm 1997 – 2000 thì khu vực này là điểm đen của tệ nạn ma túy, bạn bè anh nghiện rất nhiều, thành ra anh ghét ma túy, ghét bọn bạn vì chúng nó nghiện mà mình khuyên bảo mãi không được. Rồi không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mình cũng mua về để chơi, thử xem cảm giác thế nào? Khi đó nghĩ đơn giản lắm, mình chơi được nghỉ được, có bản lĩnh chứ không như mấy đứa bạn nghiện rồi “dặt dẹo”, nom như mấy ông ăn mày.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (áo kẻ sọc) cùng những người bệnh đã cai nghiện thành công
Lâu lâu anh mới chơi một lần, dần dần chơi liền một tuần rồi nghỉ vài tháng, cũng phải mất đến hai năm, khi cơ thể có biểu hiện, sốt, gai người, hay ngáp vặt, sợ nước lạnh… thì mới nhận ra mình đã nghiện. Tâm lý của bản thân khi đó thì cũng không hoảng loạn lắm, vì bản thân vẫn luôn cho rằng mình là người có bản lĩnh thì sẽ bỏ đơn giản.
Bắt đầu những cơn đói thuốc hành hạ “kinh khủng lắm”, đầu óc khi đó bị “cuốn” chỉ nghĩ đến ma túy còn lại bỏ ngoài tai mọi việc. Thời điểm này mình đang là giảng viên của một trường Cao đẳng có tiếng ở tỉnh, khi đã nghiện nó kéo theo một chuỗi dài những bê tha hệ lụy; bỏ giờ lên lớp vì nhiều khi “phê quá”, hết tiền chơi thì xin gia đình, vay mượn bạn bè... tất cả chỉ để thỏa mãn cơn thèm ma túy.
Một chuỗi ngày đen tối kéo dài hàng chục năm trời, “gia đình có người nghiện dù cho có giàu đến mấy thì sớm muộn cũng tán gia bại sản”, nó ứng ngay với gia đình mình. Đầu tiên là mất việc làm, mất hết niềm tin vào người thân, làng xóm láng giềng thì dè bỉu… luôn sống trong căng thẳng và lo âu, sau này là chuỗi ngày đi cai - nghiện lại - đi cai… một vòng luẩn quẩn đeo bán.
Hành trình tìm lại chính mình
Khi đã nghiện, thứ duy nhất bạn cần là ma túy, bản thân mình là người thuộc diện có điều kiện, ấy vậy mà tiền đốt không biết bao nhiêu cho đủ, đến lúc quẫn quá thì về “quay” của gia đình. Mới đầu vì thương con nên gia đình giấu đi chuyện mình nghiện, được đà càng ngày càng lún sâu trong ma túy, tiền mất, thân tàn ma dại.
Gia đình tìm đủ cách để khuyên can, đưa đi cai khắp nơi nhưng chỉ được vài ba tháng, về lại nghiện lại, mức độ còn nghiện nặng hơn trước đó. Đến năm 2001 gia đình đã quyết định đưa sang Nga với mong muốn cách xa ma túy, xa đám bạn nghiện. Đáng tiếc khi sang đến nước Nga xa xôi không chỉ có riêng mình rơi vào cảnh gia đình đẩy đi để cách ly ma túy, mà còn rất nhiều cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu ở khắp Việt Nam qua đây để tránh cơn bão ma túy, vậy là chúng tôi có hội có thuyền. Giai đoạn đó ma túy ở Nga cũng khá dễ kiếm chỉ cần có tiền là bọn mafia ở đây sẽ cấp ma túy cho. Đến năm 2006 về Việt Nam, sau 6 năm cách ly ma túy tại Nga, mình vẫn là người nghiện.
Xây dựng gia đình riêng, có vợ con rồi mình vẫn chứng nào tật ấy, gia đình lo lắng, tìm thuốc cai, nơi cai… nhưng vẫn không thoát khỏi sự quyến rũ của làn khói trắng. Đến cuối năm 2008 đầu 2009 thì biết đến phương thuốc của thầy Tiêu Vĩnh Ngọc qua một bài báo, ban đầu cũng không tin tưởng lắm, vì người nghiện luôn cho rằng “Nghiện thì không thể bỏ được”.
Sau này được tận mắt chứng kiến những người anh, người em đã từ bỏ được ma túy từ bài thuốc của thầy Ngọc, được gia đình động viên, đặc biệt là được khai mở tư tưởng, “Nếu không thực sự quyết tâm từ bỏ ma túy thì mình mãi là thằng nghiện”, khi đó mình mới ngộ ra bỏ ma túy không chỉ là bỏ cho mình mà là bỏ cho gia đình cho người thân. Sau này mình xin ở lại Cơ sở của thầy Ngọc tại Yên Thủy – Hòa Bình, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, mọi điều tích cực cứ thấm vào mình, các bạn biết đấy, giờ đây mình thật sự đã trở về là con người hoàn toàn đúng nghĩa.
“Có một điều mình nghĩ rằng muốn từ bỏ được hẳn ma túy trước hết bạn phải đương đầu với chính mình. Nghĩa là, trước kia bạn phủ nhận việc mình nghiện, gia đình lại hỗ trợ việc này, khiến bạn không dám đối diện với chính mình, thì nay bạn phải đối diện với chính điều đó, nó sẽ khiến bạn dễ chịu hơn, như việc bạn xác định được kẻ thù chính của bạn, từ đó bạn tập trung vào chiến đấu với nó, bạn chỉ cần quyết tâm bạn sẽ đánh thắng nó. Trước kia tôi không bao giờ nhận mình nghiện, còn bây giờ tôi nói trước kia tôi nghiện, người nghiện thì không phải ai cũng là người xấu, nói ra được tôi thấy tư tưởng mình nhẹ nhõm”.
Đồng hành đẩy lùi ma túy tại cộng đồng
Được sự động viên của gia đình, cùng với sự khích lệ của lương y Tiêu Vĩnh Ngọc, sự cho phép của địa phương, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã trở về Thái Bình quyết tâm xây dựng cho riêng mình Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện để giúp đỡ những người từng có quá khứ lầm lỗi như anh.
Đến với Cơ sở của anh chúng tôi được chứng kiến tận mắt cuộc sống của những bệnh nhân đến đây cai nghiện, thấy rất đỗi gần gũi, mọi người không có khoảng cách, họ coi nhau như anh em trong gia đình, cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt trong một không khí vui vẻ ngập tràn.
Gần 10 năm làm nghề “cai nghiện”, mỗi năm anh Hùng giúp đỡ cai cho khoảng 200 lượt người bệnh, với tỷ lệ thành công trên 60%, đây thật sự là một việc làm ý nghĩa góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống giảm thiểu tác hại của ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Trong buổi trò chuyện với anh Nguyễn Mạnh Hùng chúng tôi cũng được chứng kiến nhiều cuộc điện thoại, mà anh mở loa ngoài cho nghe lời cảm ơn động viên anh tiếp tục vững bước trên con đường đặc biệt, đầy ý nghĩa từ phía những bệnh nhân đã từng cai nghiện ở đây, đã trở về với gia đình, xã hội, bản thân họ không những đã bỏ được ma túy mà còn là tấm gương để người khác học tập noi theo. Chính những người đã đoạn tuyệt được với ma túy này cũng là động lực để anh Hùng vững bước với lựa chọn của bản thân mình, vừa giúp mình vừa giúp đời.
Qua câu chuyện này chúng ta mới thấy được rằng, để công tác phòng ngừa giảm thiểu tác hại của ma túy đối với đời sống xã hội, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị xã hội. Với những con người âm thầm cống hiến công sức nhỏ bé của mình vào công việc chung của cộng đồng như trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Hùng thật đáng trân trọng.
Đã có những con người tìm lại được ánh sáng nơi cuối đường hầm, đứng lên từ vũng bùn của cuộc đời, từ những cuộc đời tưởng như đã bỏ đi như thế!
Duy Đại - Quyết Thắng
Theo báo PLVP