Phải hẹn đến không biết mấy lần tôi mới được diện kiến anh Trương Khánh Hải, là người đứng ra mở Trung tâm cai nghiện ma túy tư nhân Tiêu Vĩnh Ngọc tại Kỳ Tân (Kỳ Anh).
Từ thành phố Hà Tĩnh đi vào, qua thị trấn đến ngã 3 Việt – Lào, rẽ tay phải đi khoảng tầm 6km, Trung tâm cai nghiện ma túy của anh Hải hiện lên trước mắt chỉ với hai dãy nhà cấp 4 nằm giữa bạt ngàn cây cối, một cái lán nhỏ trong đó lố nhố một số người đang ngồi quay bên bàn cờ đấu trí…
Trung tâm cai nghiện nằm giữa bạt ngàn cây cối ở xã Kỳ Tân (Kỳ Anh)
Lấy một điểm cách xa chốn phồn hoa đô thị, không gần khu dân cư để làm Trung tâm của anh Hải cũng là điều dễ hiểu. Ở trung tâm lúc này có khoảng gần 30 người, đến từ nhiều địa phương khác nhau nhưng đa phần là dân Quảng Bình và Nghệ An. Giải thích cho điều này, anh Hải cho biết, hầu hết những người nghiện khi có tâm lý cai đều muốn đi xa hẳn khỏi địa bàn mình cư trú. Mặt khác, theo anh Hải, tâm lý phục tùng với những người nghiện tại địa phương còn thấp bởi “gà cậy chuồng” nên anh cũng ít muốn nhận.
Với phương thuốc từ người thầy Tiêu Vĩnh Ngọc, người đã giúp chính mình cai nghiện thành công sau hơn 10 năm làm “nô lệ” cho “nàng tiên nâu”, Trung tâm của anh đã giúp cho không biết bao người thoát khỏi cuộc sống lầm lạc với ma túy và quay về làm một con người đúng nghĩa, hòa nhập với cộng đồng. Tiếp xúc với những người đang cai nghiện tại trung tâm của anh, tôi nhận được thái độ dè dặt, hầu như không ai muốn nói về cuộc sống của mình, về những gì mình đang trải qua. Nhưng khi nói về tương lai, trong mắt ai cũng đầy những khát khao mong muốn, họ muốn có một gia đình nhỏ, có công ăn việc làm, có bạn bè…
Trước khi tìm đến Trung tâm của anh Hải, dựa vào những mối quan hệ, qua bạn bè, tôi đã có rất nhiều dịp tiếp xúc với những người nghiện. Khi những mối quan hệ đã thân thiết hơn, tôi đã thử tâm sự vận động họ đi cai. Điều tôi thấy hầu hết ở những người tôi có dịp nói chuyện đều là một tâm lý chung đó là sau khi cai. Có người chưa bao giờ cai, có người đã đi cai nhiều lần rồi về vẫn tái nghiện, và lý giải lớn nhất cho những lần tái nghiện của họ đều là do sự xa lánh của cộng đồng, do không có một bàn tay nào nâng đỡ giúp họ có được việc làm.
Thực tế hiện nay những Mạnh Thường Quân hay những tổ chức, cá nhân giúp đỡ những người cai nghiện rất ít. Trong khi đó, thì hầu hết những người nghiện ma túy đều không có công ăn việc làm, gia đình lại không có điều kiện giúp họ có được một công việc bởi trước khi cai nghiện họ cũng đã làm cho gia đình khánh kiệt bởi những đồng tiền họ lấy đi mua may túy. Nhìn nhận một người cai nghiện thuốc lá, đã cho thấy một sự nỗ lực rất phi thường, còn ma túy, chất cocain, gây nghiện có trong đó với liều lượng hơn rất nhiều lần mới cho thấy nếu một người cai nghiện thành công thì phần nhiều ngoài liều lượng thuốc giúp cai ý chí, nghị lực của người nghiện là điều tiên quyết nhất giúp cho người cai không tái nghiện.
Anh N., một người nghiện lâu năm đã tâm sự: “Không phải tôi không cai được, tôi đã cai nhiều lần, nhưng mỗi lần về, đi xin đâu cũng không có việc, gia đình không có điều kiện cho tôi đi học nghề, quay đi quẩn lại, tiền mua điếu thuốc cũng không có, tôi lại nghiện”.
Anh Hải, người phụ trách Trung tâm đã tâm sự với tôi: “Số ít những người khi cai được như tôi có sự nâng đỡ của gia đình, của thầy Tiêu Vĩnh Ngọc để mở được Trung tâm này. Điều tôi vẫn còn day dứt là chưa có hướng nào giúp cho những người đến trung tâm cai xong thì quay về hòa nhập được với cuộc sống thường ngày, bởi một mình tôi không đủ sức lo được cho cuộc sống của họ”.
Được biết, nhiều người khi đến cai được đã tự nguyện xin anh Hải ở lại để giúp những người khác, một phần họ không muốn quay về vì sợ tái nghiện, nhưng phần khác, họ muốn cảm thấy mình vẫn là người có ích khi được giúp đỡ những người như mình thoát khỏi ma túy.
Gần 30 người, trong đó khoảng hơn 20 người đang ngày đêm đấu trí với nỗi ám ảnh về “nàng tiên nâu”, vật vã với những cơn thèm ma túy. Ở họ, chỉ qua gần một ngày chứng kiến, tiếp xúc, tôi vẫn nhận thấy họ đang khao khát tìm kiếm phần người trong chính con người mình, khao khát được một ngày không xa bước chân ra khỏi trung tâm, chỉ chưa đầy 10km đường bộ, họ được nhìn nhận, được nâng đỡ để thành một cá nhân không bị tách biệt với cộng đồng.
Nên chăng, khi mà cùng chung tay với các cấp chính quyền quét sạch tệ nạn ma túy trên địa bàn, mà những việc làm của ngành công an trong tỉnh gần đây đang nhân lên tín hiệu vui về một xã hội không có ma túy, thì vẫn cần lắm, nhiều lắm những tổ chức, những lời kêu gọi về một cách nhìn nhận mới, một thái độ không hằn học, không xem thường với những người cai nghiện thành công. Và hơn hết, đó là sự nâng đỡ về việc làm, về học nghề cho những con người biết “quay đầu là bờ” này.
HÀ MY