tieuvinhngoc

Tiêu Vĩnh Ngọc - Người xóa đi cái chết trắng

30/06/2020 Admin 0 Bình luận

QĐND - Ngày từ phương trời Nam trở về vùng đất Cẩm Phả, Quảng Ninh – nơi anh sinh ra – để mở “Trung tâm” cai nghiện, bao nhiêu người không tin, cho rằng anh là dân “lừa đảo”. Thế nhưng, sau khi tự lấy mình làm vật “thí nghiệm” cho công hiệu của bài thuốc Nam, rồi lần lượt các em ruột, bạn bè của anh cũng nhờ bài thuốc ấy mà rời xa ma túy… thì tiếng lành đồn xa, cuối cùng mọi người cũng tin anh.

Anh là Tiêu Vĩnh Ngọc, ở 26C, phường Cẩm Thủy, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Qảng Ninh.

Trở về…

Tôi từ Hà Nội tìm về Trung tâm cai nghiện của anh. Vừa xuống xe, tôi ghé vào một quán nước ven đường hỏi thăm thì được một bà cụ cho biết: “Trung tâm cai nghiện của Tiêu Vĩnh Ngọc à! Cả vùng này không ai không biết cả, chú cứ đi…”.

Theo sự chỉ dẫn của cụ, tôi đã đến được địa chỉ mình cần. Nhưng ấn tượng ban đầu của tôi khác hẳn những gì đã nghĩ. Nơi gọi là “Trung tâm cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc” chỉ giống như một khu nhà trọ của sinh viên hay công nhân. Bởi ở đây nhiều cái “không” quá: Không biển hiệu; không bác sĩ, y tá; không cơ sở hạ tầng hỗ trợ cai nghiện như các trung tâm cai nghiện chính thống, mà chỉ có mấy phòng nhà cấp 4 và hơn hai chục con người, nhóm thì đá cầu, nhóm thì ngồi võng hóng mát hoặc chuyện trò bên tách trà…

Anh Tiêu Vĩnh Ngọc (áo trắng, ngồi giữa) trò chuyện với các bệnh nhân

Trò chuyện với anh bên cánh võng cùng những “bệnh nhân”, tôi mới biết rõ về anh, về con đường tìm “thần dược” và sự nhọc nhằn khi muốn giúp người nghiện trở về với cuộc sống đời thường.

Anh kể: “Cách đây gần 30 năm, cả gia đình tôi vào Nam làm ăn. Sau bao năm vật lộn mưu sinh, cuộc sống nơi đất khách quê người giúp gia đình có của ăn, của để. Nhưng sự đầy đủ về vật chất đã “xô đẩy” 4 người em trai và cả tôi vào “vũng lầy” ma túy lúc nào không hay. Ngày ấy, đêm nào mẹ cũng khóc, bố trở nên trầm tư ít nói, còn tôi thì không biết làm cách nào để giúp các em và bản thân mình thoát khỏi sự mê hoặc của “màu trắng” ấy”.

Nhưng lời trăng trối của mẹ trước lúc lâm chung “Gia đình sẽ còn gì nếu các con chết dần, chết mòn bởi ma túy!” đã giúp Tiêu Vĩnh Ngọc bừng tỉnh và biết mình phải làm gì.

Sau bao năm tìm thầy, tìm thuốc khắp nơi, đến cuối năm 2002, một bạn nghiện đã đưa cho anh gói thuốc lá Nam nói rằng: Có thể tạm thời cắt cơn vật của thuốc phiện. Như người chết đuối vớ được cọc, Tiêu Vĩnh Ngọc về thử ngay và thấy có tác dụng. Nhưng theo anh: “Bài thuốc ban đầu là thuốc trị chữa xương khớp nên chỉ cắt được cơn chứ không cắt được cảm giác thèm thuốc phiện”. Vậy là từ 11 vị thuốc trong bài thuốc ấy, Tiêu Vĩnh Ngọc đã mạnh dạn thêm 2 vị thuốc mà trước đây anh từng sử dụng. Và không ngờ sau khi kết hợp, bài thuốc không chỉ cắt được cơn mà còn cắt được cảm giác thèm thuốc của người nghiện.

Khi đã tự cai cho mình khỏi và để khẳng định chắc chắn công hiệu của bài thuốc, một lần nữa, Tiêu Vĩnh Ngọc lại đem mình ra làm vật “thí nghiệm”. Nghiện – cai, cai xong lại nghiện, cuối cùng anh đã hoàn chỉnh được thành phần, liều lượng và các biện pháp hỗ trợ cắt cơn, phục hồi thể trạng cho người nghiện. Khẳng định được hiệu quả của bài thuốc, Tiêu Vĩnh Ngọc đã trực tiếp đem áp dụng cho các em mình.

Nhớ lại cảm giác khi chính mình và các em thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy, Tiêu Vĩnh Ngọc tâm sự: “Khi ấy tôi đã khóc như chính mẹ tôi đã khóc nhiều năm trời. Có điều, mẹ khóc trong tuyệt vọng, còn tôi khóc trong hạnh phúc vì không chỉ giúp được bản thân mình mà còn giúp được các em, giữ được lời hứa với mẹ đưa các em trở về với cuộc sống bình thường”.

Khẳng định được giá trị bài thuốc quý, lẽ ra ở lại Thành phố Hồ Chí Minh để mở trung tâm cai nghiện nhưng rồi anh lại nghĩ: Tại sao mình không về vùng đất Cẩm Phả nơi mình sinh ra, ở đó có rất nhiều người thân và hàng xóm của mình đang khổ vì ma túy. Hơn nữa, nguồn dược liệu cho bài thuốc ở khu vực phía Bắc rất nhiều và đang bị các thương lái Trung Quốc thu mua”. Nghĩ là làm, anh quyết định ngược ra Bắc, trở về vùng đất Cẩm Phả, Quảng Ninh – nơi trước đây gia đình anh đã ra đi – để khởi nghiệp với hành trang là bài thuốc Nam cai nghiện ma túy và niềm mong muốn giúp cho từng tuyến phố, từng ngôi nhà ở quê hương xóa đi những “cái chết trắng”.

Tấm lòng tri ân

Đầu năm 2006, Tiêu Vĩnh Ngọc lập “Trung tâm cai nghiện ma túy”. Anh kể: “Khi ấy không ai cho mình thuê nhà nên ban đầu phải thuê khách sạn để cai cho những người trong họ hàng”.

Sau khi vài người thân cai khỏi, tiếng lành đồn xa, lan nhanh, từ đó nhiều người ở các nơi: Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… tìm đến để cai nghiện.

Trong số đó có anh Tô Ngọc Minh, ở tổ 9, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội – người đã có thâm niên làm bạn với ma túy 15 năm. Anh Minh là người mới đến “trung tâm”, cho biết: “Trước kia, tôi đã cai ở nhiều nơi nhưng chưa nơi nào tôi thấy mình nhanh khỏe như ở đây. Chỉ có 7 ngày điều trị, với một chén thuốc duy nhất uống trong ngày đầu. Và khi uống thuốc vào sẽ thấy nóng như có ai đốt trong lòng. Nhưng cứ nóng là chúng tôi lại tắm chứ không sợ nước như trước đây nữa. Đến ngày hôm sau thì cắt cơn hoàn toàn, không còn cảm vật vã và cảm giác “giòi bò trong xương” và thèm thuốc nữa.

Anh Tiêu Vĩnh Ngọc (áo trắng) cho bệnh nhân uống thuốc

Tôi hỏi về kinh phí cho một đợt điều trị, anh Ngọc cho biết: “Mỗi đợt điều trị, hết 3 triệu đồng, trong đó bao gồm tiền thuốc, tiền ăn, ở và sinh hoạt”. Thế nhưng theo anh: “Số tiền ấy tuy không nhiều đối với người giàu nhưng có thể là cả gia sản của người nghèo. Mà ma túy thì có biết phân biệt giàu nghèo đâu. Có người đến đây trong tình trạng “khánh kiệt”, tôi lại kêu gọi anh em ở “trung tâm” và trực tiếp bỏ tiền túi của mình giúp họ vượt qua khó khăn và cho chút vốn làm ăn sau khi cai nghiện”.

Chính từ hiệu quả bài thuốc và tấm lòng của anh đối với người nghiện nên giờ đây Tiêu Vĩnh Ngọc đã có 20 cơ sở cai nghiện từ Bắc đến Nam. Tôi hỏi: Anh có nhớ mình đã cai khỏi cho bao nhiêu người? Chưa bao giờ thống kê là đã cai cho bao nhiêu người, nhưng theo anh: “Hầu như ngày nào cũng có ít nhất một người bị nghiện đến chữa và một người khỏi xin về”.

Có lẽ, vì dồn hết tâm huyết của mình cho người nghiện nên đã 45 tuổi, anh vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình…

“Thế anh không tính chuyện người nối nghiệp mình mai sau?”, tôi hỏi. Anh trầm ngâm: “Nếu như sau này già yếu, tôi sẽ truyền lại cho một người nào thực sự có tâm giúp người nghiện trở về với cuộc sống bình thường. Tôi không muốn ai dùng bài thuốc của mình làm giàu trên lưng người nghiện. Và cũng chính điều đó nên tôi không muốn công bố bí quyết của bài thuốc”.

Không chỉ giúp người nghiện tránh xa ma túy, Tiêu Vĩnh Ngọc còn tạo việc làm cho gần 200 lao động là chính những người anh đã cai khỏi, với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Vì, theo anh: “Không ai hiểu người nghiện bằng người nghiện”.

Hằng tháng, Tiêu Vĩnh Ngọc bỏ ra hơn 50 triệu đồng để làm từ thiện cho địa phương nơi có cơ sở hoạt động. Ví dụ như tại cơ sở ở Cẩm Thủy, Cẩm Phả, Quảng Ninh, hơn một năm nay, Tiêu Vĩnh Ngọc trích đều đặn 20 triệu đồng/tháng tặng học sinh nghèo tại các trường tiểu học trong thị xã. Ở Trường Tiểu học Tân Kỳ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, số tiền này là 6 triệu đồng/tháng. Hằng tháng, thông qua cơ sở tại xã Kỳ Tân, anh Ngọc còn chi 200.000 đồng/suất cho 10 học sinh nghèo ham học. Ngoài việc đóng góp cho quỹ khuyến học ở các địa phương, hơn một năm nay, anh Ngọc còn đều đặn tặng 10 triệu đồng/tháng cho Quỹ tấm lòng Việt, Chương trình trái tim cho em, hỗ trợ cho các bé cần phẫu thuật tim.

Tiêu Vĩnh Ngọc cho biết: “Phần lớn số tiền làm từ thiện là tiền túi của tôi có được từ trước và cộng thêm một ít được trích ra từ số tiền đóng góp của người nghiện”. Và đối với anh, giúp được gì cho người nghèo là anh thấy vui. Bởi trước đây, khi gia đình đang phải chịu nhiều khốn khó, Tiêu Vĩnh Ngọc đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng. Nay khi có điều kiện, anh muốn đóng góp một phần sức mình để bày tỏ tấm lòng tri ân đối với cộng đồng.

Bài và ảnh: Duy Thành

Miền Nam: 0902103608 Miền Bắc: 0946421182
popup

Số lượng:

Tổng tiền: