Có lẽ chỉ vì một cơ duyên nào đó mà chỉ sau vài lần gặp gỡ, tôi và Ngọc đã trở nên thân thiết. Dù hơn Ngọc 15 tuổi nhưng khi biết và hiểu về Ngọc, tôi thực sự cảm nhận được từ Ngọc – một lương y vừa giỏi nghề, vừa có tâm.
Anh Tiêu Vĩnh Ngọc đứng giữa
Để nghiên cứu về bài thuốc cai nghiện cứu người mà do một cơ may, Ngọc tình cờ biết được, Ngọc đã dùng chính mạng sống của mình để thử nghiệm nhiều lần trước khi cứu chữa cho chính anh em ruột của mình, rồi sau đó mới tới các bạn nghiện mà Ngọc biết. Một bài thuốc mà cho đến nay, tất cả những người đã từng cai nghiện từ các cơ sở của Ngọc mà tôi trao đổi, họ đều đánh giá cao hiệu quả điều trị của bài thuốc dù rất rẻ tiền.
Cũng chính Ngọc, từ nỗi cảm thông sâu sắc với người nghiện, đã phát hiện và ứng dụng thành công mô hình “bạn giúp bạn” trong cai nghiện. Ngọc đã cùng với các bạn đã cai nghiện thành công giúp lại các bạn khác ngay tại chính các cơ sở cai nghiện mang tên mình. Mô hình “bạn giúp bạn” vừa giúp chính những người đã cai nghiện thành công vừa có công ăn việc làm, giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống khi chính họ đã trở thành tấm gương để người đi cai nghiện nhìn thấy. Họ cũng giúp người nghiện đến cơ sở tin tưởng vào bài thuốc và có thêm động lực làm chủ mình khi cai. Cũng chính mô hình này làm cho người nghiện – dù dưới con mắt xã hội – họ mang theo mình “tệ nạn” phải bị xa lánh nhưng ở đây, họ được cảm thông, được chia sẻ, được tôn trọng. Họ được sống chan hòa trong chính cộng đồng những người đã hay từng lầm lỡ, chót nghiện, chót phá phách, chót hư hỏng. Cũng từ chính trong cộng đồng này, họ động viên giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau quyết tâm cai nghiện để hội nhập trở lại xã hội như những con người bình thường.
Đi thăm một số cơ sở cai nghiện trong trên 30 cơ sở của Ngọc trên cả nước, tôi cũng thường xuyên tâm tình với một số người đến cai, tâm sự với chính những anh chị em làm tại cơ sở và họ thực sự cảm phục tấm lòng của Ngọc. Họ coi Ngọc như là cứu tinh, giúp họ đoạn tuyệt với ma túy. Có cả những người đã đi hành trình “từ người nghiện thành chủ doanh nghiệp”, có những người chấp nhận ở lại cơ sở, cùng với Ngọc giúp lại các bạn nghiện khác thậm chí không cần nhận bất cứ khoản thù lao nào. Lại có cơ sở do chính anh em làm trong ngành Công an (cấp tỉnh) cũng đề nghị hợp tác với Ngọc để giúp người nghiện cai ma túy. Tôi cũng đã gặp và trao đổi với một số cán bộ địa phương, nơi đặt cơ sở cai nghiện và cũng nhận được từ họ những lời khen, những lời động viên, chia sẻ chân thành.
Đã có rất nhiều bài báo viết về Ngọc đăng trên các tờ báo lớn, nhiều chương trình truyền hình phát trên các kênh truyền hình quốc gia với lượng độc giả lớn hiện còn lưu trên các trang mạng mà chỉ với từ khóa “tieuvinhngoc”, máy tìm kiếm google đã cho gần 5000 kết quả. Nhiều bài báo đã viết về đời tư, về hoàn cảnh của Ngọc, đã gọi Ngọc là lương y, danh y và thậm chí có bài viết gọi Ngọc là thần y vì được nghe cảm nhận về hiệu quả bài thuốc do chính những người cai nghiện trao đổi, vì cảm nhận được cái tâm Ngọc đã và đang ứng xử với cuộc sống và xã hội.
Tuy vậy, mới có rất ít bài viết về những hoạt động từ thiện, khuyến học vủa Ngọc.
Ngay từ sau khi bài thuốc của Ngọc được cộng đồng những người nghiên biết đến, anh đã mở cơ sở cai nghiện tự nguyện đầu tiên tại Cẩm Phả, điểm nóng vầ mức độ người nghiện ma túy. Bằng cái tâm của mình, Ngọc đã dành dụm số tiền ít ỏi mình kiếm được để giúp đỡ lại cộng đồng với ý thức thay mặt những con người lầm lỗi, giúp họ trả món nợ cuộc đời. Chỉ với những xác nhận mà anh còn giữ lại được từ tài trợ các chương trình truyền hình từ thiện như: “Chắp cánh ước mơ-Vượt sông hồ tìm chữ”; “Trái tim cho em”; “Những trái tim không tật nguyền”; “kết nối trái tim”… Những chương trình “Hướng ra biển đảo”; “Hành trình tri ân đồng đội”… cho các cơ sở như “Hội bảo trợ người tàn tật tỉnh Quảng Ninh”; “Trung tâm Thương binh nặng Liêm cần, Hà Nam”; “Bệnh viện tâm thần Cẩm Phả, Quảng Ninh”… Một số gia đình nghèo có các cháu nhiễm HIV… số tiền tài trợ trong vài năm qua đã lên tới vài tỷ đồng. Ngọc luôn coi đó là cách Ngọc trả nghĩa cuộc đời.
Ý thức được thiệt thòi không được học hành lúc còn nhỏ, Ngọc bàn với chi nhánh ngân hàng VP Bank Cẩm Phả, Quảng Ninh và cùng tôi lập quỹ khuyến học mang tên “Tiêu Vĩnh Ngọc”. Do muốn dành nhiều thời gian cho công việc chính của mình, Ngọc tin tưởng nhờ tôi làm chủ tịch quỹ. Là một quỹ tư nhân mà nguồn tài chính do anh đóng góp, anh mong muốn tìm được đúng các địa chỉ cần giúp đỡ, mong muốn truyền được “cái tâm” cho các bạn nhận giúp đỡ của quỹ để các bạn không bị thiệt thòi, dành thêm thời gian và có thêm nghị lực học tập tốt hơn. Tôi đã đến một số trường đại học như: Đại học Sư phạm, ĐH Nông nghiệp, ĐH Công đoàn, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa… một số trường phổ thông, gặp gỡ một số quỹ khuyến học địa phương, đài truyền hình… để liên hệ, nhờ giới thiệu đúng các cháu học giỏi nhưng gia đình khó khăn để quỹ giúp đỡ. Dù chỉ 500.000 đồng/tháng trong vài năm qua, với trên 100 cháu được chọn trải dài từ Bắc vào Nam, 3 trường tiểu học ở vùng cao: trường Sán Chải ở Ximacai, Lào Cai; trường Lang Thít ở Yên Bái, trường Nà Roác ở Cao Bằng, mỗi tháng trong 3 năm qua, quỹ đã chi hàng tháng 30 – 50 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân Ngọc vẫn còn giúp trên 100 cháu học sinh nghèo vượt khó mà Ngọc đã chọn từ trước đây; Ngọc còn nhờ vài người khác như cô Hiền, giáo viên nghỉ hưu ở Cẩm Phả thay mặt mình giúp các cháu ở Cẩm Phả quê anh; anh Long ở cơ sở Hòa Bình giúp các cháu ở Hòa Bình…
Khi chia sẻ những cảm nhận của mình về quỹ Tiêu Vĩnh Ngọc với một số người mà tôi có quan hệ thân thiết, gần gũi như GSTS Vũ Hoan, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học TP Hà Nội; GSTS Nguyễn Văn Hiệu, chủ tịch Quỹ khuyến học Việt Nam; anh Vũ Trùng Vương, nguyên Trưởng ban tổ chức tính ủy Hà Nam, chủ tịch Quỹ khuyến học Bình Lục; anh Đào Quang Bồn, giám đốc Đài truyền hình Thái Nguyên; anh Nguyễn Trọng Nhưỡng, chủ tịch huyện Vĩnh Bảo; ban lãnh đạo một số trường Đại học… Cá nhân tôi và quỹ khuyến học luôn nhận được nhũng lời động viên, chia sẻ chân thành, những góp ý, giúp đỡ để quỹ thực sự mang đến ngoài tiền bạc là cả những giá trị cuộc sống cho các cháu được nhận quỹ.
Nhìn vào cuộc sống, không thiếu những người hiện đang làm giầu bằng mọi giá, thậm chí sẵn sàng phạm pháp, kể cả giết người để kiếm tiền. Có cả những người dù đã được xã hội tin tưởng giao cho trọng trách lớn vẫn tham nhũng, vẫn sẵn sàng nhận hối lộ hàng triệu đô la… Họ vênh vang, tự mãn với sự giầu có của họ. Có lẽ những người này không nghĩ đến luật nhân quả, đến kiếp nhân sinh… và rồi chắc họ không thể hình dung dung được họ, gia đình họ sẽ nhận lại quả báo như thế nào.
Ngọc thật xứng đáng được khâm phục vừa với tư cách là một lương y giỏi nghề, một doanh nhân có tài, một con người có tâm và có trách nhiệm với xã hội.
TS Nguyễn Văn Biếu TTK Hội các ngành Sinh học Hà Nội