(CATP) Khi đã là “nô lệ’ của ả phù dung, nhiều con nghiện lao vào con đường tội phạm. Đấu tranh tiến tới giảm dần số người nghiện gây hại cho xã hội là nỗ lực lớn của nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, Tiêu Vĩnh Ngọc (SN 1966, quê Quảng Ninh, hiện là chủ một trung tâm cai nghiện ở ấp Thuận Hòa, xã Sông Thao, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), được ví như hiệp sĩ chống ma túy thầm lặng.
Giáo sư Song, bác sỹ Bích và một số nhà báo đang lắng nghe những người cai nghiện kể chuyện (Tiêu Vĩnh Ngọc ngồi thứ ba từ phải sang) - Ảnh: PV
Quá khứ đen tối
Tìm hiểu về “hiệp sĩ” Ngọc, mới biết anh được nhiều gia đình hay người có con em vướng vào làn khói trắng phong danh là “lương y”, “thầy thuốc”, “bác sĩ”… Tất cả những biệt danh ấy được bắt nguồn từ bài thuốc và kinh nghiệm cắt cơn hiệu quả của Ngọc. Điều đó giúp cho nhiều người nghiện sau nhiều năm lâm vào con đường u mê, lầm lạc đã tìm được ngày mai tươi sáng. Nói về điều này, Tiêu Vĩnh Ngọc chỉ nhận là người biết được bài thuốc hay nên muốn sẻ chia, giúp đỡ người khác để họ không phải sống trong cảnh đớn đau, đọa đày như bản thân anh cùng gia đình đã từng gánh chịu.
Có thể nói cuộc đời của Tiêu Vĩnh Ngọc đã nếm trải đủ mọi dư vị, cung bậc đắng cay của cuộc đời: “Quê tôi ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), vùng đất từng rất kinh hoàng với tệ nạn ma túy khi có vô số thanh niên phải chết trẻ do sốc thuốc, nhiễm HIV/AIDS… Tất cả cũng bởi do ả phù dung đưa đường dẫn lối mà ra”. Tiêu Vĩnh Ngọc kể sau này khi gia đình chuyển vào Nam (năm 1989) sinh sống thì nơi ở mới cũng phức tạp có tiếng ở Sài Gòn, đó là khu vực ngã ba Tân Cảng (Q. Bình Thạnh) với nhiều loại hình tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ hút chích.
Sống ở nơi “đầm lầy” và trong chốn bùn đen nên nhiều anh em của Tiêu Vĩnh Ngọc trở thành nô lệ của ma túy và chết vì cơn “say ma” bắc cầu đến với căn bệnh thế kỷ thông qua các màn hút chích lang chạ. “Trước đây nhà tôi có chín anh chị em, mà có đến bốn người nghiện ma túy, trong đó ba người bị nhiễm HIV (hai người đã chết), người còn lại vẫn đang điều trị… Bản thân tôi từng là đối tượng tệ nạn xã hội, kinh qua những nghề nhơ nhuốc, hung tàn như bảo kê, chăn gái… Ngọc chẳng ngần ngại khi nói về quá khứ đen tối của gia đình và chính mình.
Phương thuốc cứu tinh
Gia đình của Tiêu Vĩnh Ngọc và cuộc đời của chính anh tưởng chừng sẽ khép lại bằng những gam màu đen tối nhất nếu như không có dịp tình cờ biết được bài thuốc cắt cơn cho người nghiện với thành phần chính là thảo dược. Khi đem bài thuốc về thử nghiệm cho người thân và bạn bè, thấy có những dấu hiệu khả quan nên anh dấn sâu tìm hiểu, nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Trong cuốn sách “Tiêu Vĩnh Ngọc và hành trình đi tìm phương thuốc kỳ diệu cho đời” (NXB Thông tin và Truyền thông) đã đúc kết hành trình chiến đấu không mệt mỏi của Ngọc với làn khói trắng vào năm 1997.
Thuở ban đầu, từ cai cho một vài người thân quen thành công, được người này giới thiệu người kia, cứ thế Ngọc mạnh dạn áp dụng bài thuốc cắt cơn cho nhiều người nghiện trên phạm vi cả nước. Ưu điểm của bài thuốc cắt cơn từ thảo dược của anh là giúp người nghiện khi trong quá trình cai nghiện ít bị vật vã và hạn chế đến mức thấp nhất cảm giác thèm thuốc. “Gặp anh, hầu như ai có con em bị nghiện hay chính bản thân người nghiện rất an tâm, tin tưởng. Bởi lẽ còn ai có thể thuyết phục hơn anh, một người đi trước với nhiều kinh nghiệm đoạn tuyệt ma túy luôn sẵn lòng và hết mình giúp những nạn nhân đang bị gặm nhấm cả thể xác và tinh thần. Nhờ gặp anh, tôi cũng như nhiều người lấy lại được bản lĩnh, tự tin bước ra ánh sáng từ trong bóng tối” – chị Trần Thị Hàn Ly (SN 1983) bộc bạch.
Chúng tôi gặp Tiêu Vĩnh Ngọc hôm anh ra mắt “Hành trình đi tìm phương thuốc kỳ diệu cho đời”. Trò chuyện mới biết ròng rã hơn 10 năm trời vun bồi, tuyên chiến với ả phù dung, Ngọc đã gây dựng “gia tài” đồ sộ mà theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Kiên – người chắp bút cho tự truyện chống ma túy được lan tỏa thì “gia tài” của Tiêu Vĩnh Ngọc chẳng phải tiền muôn bạc vạn mà là con số ấn tượng cứu thoát được bốn người em trai bị nghiện nặng (có người nhiễm HIV/AIDS hiện vẫn còn sống – PV), xây dựng hệ thống cai nghiện với hàng chục cơ sở khắp từ Bắc chí Nam cho hàng vạn người, giúp họ không còn bị lệ thuộc vào ma túy. “Mô hình cai nghiện của Tiêu Vĩnh Ngọc là mô hình của những người đã cai nghiện thành công giúp đỡ lại những người đang nghiện. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng đã giúp hàng ngàn người nghiện tìm thấy mùa xuân của cuộc đời” – tác giả Nguyễn Kiên chia sẻ.
Tình người lan tỏa
Anh Ngọc bao giờ cũng khiêm tốn, nói mình chỉ là người may mắn biết được bài thuốc quý. Và anh cũng thẳng thắn chỉ ra rằng câu chuyện về cuộc đời sóng gió từng trải của mình cùng những tính năng ưu việt của bài thuốc suy cho cùng không phải là phương dược thần tiên giúp người nghiện thoát nghiện hoàn toàn. “Cái chính vẫn là ý chí, quyết tâm của người nghiện. Tôi không thể giúp một người nghiện ma túy thoát khỏi cơn say nếu người ấy không khát khao, không có ý chí trong việc muốn giải thoát chính mình khỏi làn khói trắng. Tôi chỉ có thể giúp một khi họ có ý chí. Tôi giúp họ bằng cách truyền lửa cho họ, ngọn lửa quyết tâm đong đầy khát vọng, mộng ước làm lại cuộc đời”, anh chia sẻ.
Nhiều năm qua, ma túy vẫn mãi là hiểm họa khôn lường với hành vạn gia đình và xã hội. Dù các cơ quan chức năng nỗ lực bài từ nhưng bọn tội phạm ma túy như vòi bạch tuột chặt hết xúc tu này chúng mọc ra xúc tu khác dài hơn, tinh vi và ngông cuồng hơn, từ đó kéo dài danh sách con nghiện trẻ, bất cần đời, chẳng ngại chém giết hay từ nan bất kỳ hành vi phạm tội nào miễn có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Để bài trừ, hạn chế vấn nạn ấy, các lực lượng chuyên trách như công an, hải quan, biên phòng rất cần sự chung tay của toàn xã hội trên nhiều mặt trận và nỗ lực, tâm huyết của hiệp sĩ chống ma túy Tiêu Vĩnh Ngọc.
Chúng tôi xin được chia sẻ cùng hiệp sĩ “chống ma túy” Tiêu Vĩnh Ngọc rằng anh mong mỏi được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện về giấy phép để cơ sở cai nghiện của anh phát huy bài thuốc cai nghiện giúp người và nếu cần thiết anh sẽ hiến bài thuốc cho Nhà nước trong cuộc chiến chống ma túy. Anh Ngọc cũng mong xã hội đừng xa lánh, kỳ thị người nghiện mà hãy cho họ cơ hội để làm lại cuộc đời. “Họ vô tình và không ý thức được bản thân nên đã bị những cám dỗ của cuộc sống xô đẩy. Đến lúc họ nhận thức được và muốn trở lại làm người tốt thì xã hội không cớ gì mà không dang tay đón nhận, giúp đỡ họ trở lại sống có ích cho bản thân, gia đình và đất nước. Phương thuốc của tôi chỉ là phần nhỏ, tình người trong xã hội mới là phương thuốc diệu kỳ nhất” anh Ngọc bộc bạch.
Nhóm phóng viên