Bây giờ về thị xã Cẩm Phả, nếu hỏi thăm đường tới cơ sở cai nghiện ma tuý của Tiêu Vĩnh Ngọc, bạn sẽ không mất nhiều thời gian lắm; bởi mặc dù đó chỉ là mấy dãy nhà cấp 4, nằm khuất nẻo ở khu vực sát mé biển, xa trung tâm (trên địa bàn phường Cẩm Thuỷ), nhưng lại có khá nhiều người biết, nhất là cánh tài xế tắc xi và xe ôm. Đơn giản là vì thường ngày họ vẫn hay chở khách, chủ yếu là mấy cậu thanh niên từng “dính” vào ma tuý và người nhà của họ, từ các địa phương, cả trong và ngoài tỉnh, tìm đến đây nhờ cai nghiện…
Tiêu Vĩnh Ngọc (thứ hai, trái sang) chụp ảnh chung với 3 mẹ con bà Vân
Vào những ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu, vì tò mò muốn biết, với những người từng một thời lú lẫn, quên trời đất, quên năm tháng vì ma tuý, nay trở về “con đường sáng” thì “tết nhất” ra sao, nên tôi cũng tìm đến cơ sở cai nghiện “chui” này! (Bởi thực ra, cho đến nay, Tiêu Vĩnh Ngọc vẫn chưa có giấy phép hành nghề; tuy nhiên do những hiệu quả rõ rệt trong việc dùng thuốc cai nghiện của anh trên thực tế, nên cơ quan chức năng đã “bật đèn xanh” để anh làm… thực nghiệm!)…
Khi chúng tôi đến, Tiêu Vĩnh Ngọc vừa trở về sau chuyến đi “xuyên Việt” để kiểm tra các cơ sở cai nghiện mà anh mới mở thêm ở Hoà Bình, Nghệ An, Biên Hoà … Gặp tôi, Ngọc vui vẻ:
“-Em mừng lắm! Tuy bài thuốc vẫn đang “trên bàn nghị sự” chờ ý kiến đánh giá của các nhà khoa học chuyên ngành, nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, những người nghiện từ các tỉnh, thành trong cả nước vẫn tìm về xin được điều trị. Chính vì thế mà cũng như ở Quảng Ninh, em đã đề nghị cơ quan chức năng tại một số địa phương khác cho mở cơ sở cai nghiện. Và ở đâu cũng được sự ủng hộ hết lòng!”.
Tôi bảo Ngọc cho tiếp xúc với một số người đến điều trị ở đây, anh cười: “-Mấy người mới tới thì có chuyện gì để nói! Để em đưa anh đến thăm một số cậu, cũng ở ngay quanh đây thôi! Họ là những người được em điều trị đợt đầu, khi mới mở cơ sở này!”.
Gia đình đầu tiên mà chúng tôi đến là nhà ông Nguyễn Anh Hào và bà Ngô Thị Bền, ở khu Đông Hải 1, phường Cẩm Đông. Nhìn thấy Tiêu Vĩnh Ngọc, ông bà vui vẻ như gặp người thân vậy. Ông bảo: “-Nhà tôi mang ơn chú Ngọc lắm! Không có chú ấy thì nay các chú vào chắc chẳng có nổi cái bàn, cái ghế nào để ngồi nữa cũng nên…”. Hỏi mới biết, vợ chồng ông có hai con, một trai, một gái. Cô con gái thì không sao, nhưng cậu “quý tử” (tên là Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1978), thì nghiện ma tuý có thâm niên từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. “-Khổ lắm chú ơi, đến ngày thường còn chẳng được yên thân với nó, nói gì tết nhất!”- Bà Bền kể lể – “Đầu tiên là tiền, sau đó hết tiền thì nó trộm đồ đạc trong nhà đi bán… Hồi ấy nhà tôi rách như tổ đỉa, đâu có được khang trang như bây giờ!”.
Ngồi nghe bố mẹ thay nhau “tố” mình, Nam chỉ cười. Anh đưa chúng tôi lên thăm “tổ ấm” của mình trên lầu 2. Đó là căn phòng được bài trí gọn gàng, với chiếc giường cưới, ảnh cưới vẫn còn mới… Bế cô “con gái rượu” mới hơn một năm tuổi trong lòng, Nam kể:
“Năm 2006, sau 15 năm “chìm” trong ma tuý, cai đi cai lại ở khắp nơi, từ trung tâm cai nghiện của tỉnh ở Vạn Cảnh đến những cơ sở tư nhân ở Hải Phòng, Hà Nội v.v… mà không có kết quả, thông qua bác ruột em là ông Nguyễn Tuấn Hội, bố mẹ em mới đưa em đến chỗ anh Ngọc. Lúc đó, anh Ngọc mới từ miền Nam ra mở cơ sở “cai nghiện chui” ở đây nên cũng chưa mấy người biết. Em với mấy đứa bạn nghiện nữa là nhóm đầu tiên được anh ấy cai cho. Lúc đầu em rất ngạc nhiên vì khác với những điểm cai nghiện khác, cai nghiện chỗ anh Ngọc cứ như… đi điều dưỡng! Bọn em sau khi uống thuốc, được bố trí cho ăn nghỉ tại nhà, không có “kín cổng cao tường” gì hết. Anh Ngọc bảo cần gì phải nhốt, phải xích chân, xích tay v.v… vì sau khi dùng thuốc này sẽ không vật vã, không thấy thèm thuốc nữa; mình sẽ tự kiểm soát được hành vi của mình. Anh ấy còn bảo, tái nghiện hay không là do chính mình, chứ làm sao mà nhốt, mà xích cả đời được…
Mà đúng thế thật! Ở chỗ anh Ngọc gần một tuần thì em “xuất viện” về nhà. Những ngày đầu, không thấy thèm thuốc, không thấy bứt rứt chân tay như sau những đợt cai nghiện trước, mặc dù hình như vẫn thấy “thiêu thiếu” cái gì đó (mà sau này em hiểu chính là do sự thay đổi thói quen, nếp sống, chứ không phải do “đói thuốc”…). Càng về sau, cái cảm giác “thiêu thiếu” ấy càng mờ dần, nhất là khi em được anh Kiên (con bác Hội) cho đi làm than cùng với anh ấy thì hầu như em thấy trong người bình thường hoàn toàn. Đoạn tuyệt với ma tuý được hơn năm thì em lấy vợ và năm sau, cháu Linh, cô bé này đây, ra đời…”.
- Lúc yêu và sau đó thì lấy nhau, vợ Nam có biết Nam mắc nghiện không? – Tôi hỏi. Nam gãi đầu cười:
- Biết chứ ạ! Nhưng ông bà ngoại cháu Linh thì không, vợ em bảo sau này, khi nào cô ấy cảm thấy chắc chắn là em không còn “nhớ nhung” gì đến ma tuý nữa, thì hẵng nói cũng chưa muộn!
- Vậy khi nào thì hai người sẽ cho “các cụ” biết đây? – Tôi hỏi bâng quơ, Nam vui vẻ thông báo: Tết năm nay hai vợ chồng sẽ đưa con về nhà ngoại (ở Phú Thọ) ăn tết! Đây là cái tết rất có ý nghĩa vì lần đầu tiên Nam về thăm quê vợ… “-Và có lẽ chúng em sẽ kể cho “các cụ” nghe chuyện em; chắc “các cụ” cũng chẳng trách giận gì đâu anh nhỉ?”…
Nhìn chàng trai to con, khoẻ mạnh, vóc dáng “rất đàn ông”, với nụ cười rạng ngời, bên cạnh người vợ trẻ và đứa con gái xinh xắn, thực tình tôi khó hình dung nổi đó từng là “con nghiện” mà như ông Hào, bà Bền nói: “Trông nó gầy còm, ru rú trong nhà như “con ma xó” ấy chú ạ”…
Đại gia đình Nguyễn Văn Nam
Chia tay gia đình cậu Nam, chúng tôi còn tới thăm một số gia đình khác. Và không phải ở đâu, với ai, chúng tôi cũng được chia sẻ niềm vui như với gia đình Nam. Bởi trong số những đối tượng đến cai nghiện tại cơ sở của Tiêu Vĩnh Ngọc, rất nhiều người sau đó đã đoạn tuyệt được với ma tuý, nhưng cũng có người hình như (?) chưa dứt hẳn. Như cậu Thắng, con trai ông Nguyễn Tuấn Hội, bác ruột Nam, chẳng hạn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hội bảo: “-Thú thật với mấy chú, tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, không biết cháu đã từ bỏ hẳn ma tuý được như thằng Nam hay chưa? Bởi nhìn thì thấy cháu khoẻ mạnh, bình thường, nó lại đã có vợ, con, kinh tế làm ăn cũng khá nên chẳng còn chuyện “chôm chỉa” đồ đạc trong nhà đem đi bán như hồi nào! Nhưng tôi vẫn lo… Vì như chú Ngọc nói ấy, thuốc dẫu hiệu nghiệm đến mấy mà bản thân không quyết tâm từ bỏ thói quen dùng ma tuý thì vẫn tái nghiện…
“-Ngày xưa, mỗi khi cháu Nam nó đến nhà là tôi quát tháo, cáu bẳn, vì nó với thằng Thắng cứ đàn đúm; nay lại mong chúng nó thường xuyên đi lại, chơi bời với nhau để giúp nhau…” – Ông Hội thở dài. Và tôi có cảm nhận, cho dù cuộc sống gia đình ông giờ không còn “nhếch nhác” như hồi nào, nhưng hình như những ngày này, niềm vui đón xuân mới của ông và gia đình vẫn không trọn vẹn!
Cũng có mối lo không biết con mình liệu có dứt bỏ hẳn được ma tuý hay không, nhưng với bà Trần Thị Vân (ở tổ 24B, khu Hồng Thạch, phường Cẩm Thạch) thì hơi khác. Bên cạnh nỗi phấp phỏng, người mẹ khốn khổ, thậm chí đã phải vét đến đồng tiền cuối cùng để “chạy chữa” cho hai đứa con trai mắc nghiện nặng mà vẫn chẳng mấy hiệu quả, này giờ lại đang tràn trề hy vọng…Bởi sau khi đến cai nghiện tại cơ sở của Tiêu Vĩnh Ngọc cách đây 2 năm, cậu con trai cả của bà là Lục Thanh Bình đã đoạn tuyệt hẳn với ma tuý, lại còn được anh Ngọc nhận vào làm giúp việc để chăm sóc những “bệnh nhân” khác. Và Bình đã làm rất tốt, rất cần mẫn, chăm chỉ… “-Ăn tết xong, em sẽ đưa thằng Minh (Lục Thanh Minh, em trai Bình, cũng là “con nghiện” mới từ Trung tâm cai nghiện Vũ Oai trở về) đến chỗ anh Ngọc để dùng thuốc sau cai! Qua kinh nghiệm của chính mình, em tin là nếu nó dùng thuốc của anh Ngọc, nhất định sẽ có hiệu quả!” – Bình tâm sự.
Tôi hỏi chuyện và bà Vân cho biết, nhà có ba đứa con trai thì một đứa không may mắc chứng “tâm thần bất ổn”, còn hai đứa, là thằng Bình và thằng Minh không bị sao, nhưng lại dính vào ma tuý. Chồng bà, ông Lục Thanh Hải, vốn là cán bộ Sở KH-ĐT, đã mất. Hiện tại, Bình dù sao cũng đã tự kiếm được tiền nuôi mình, còn vợ chồng Minh và đứa cháu nội thì vẫn đang “ăn bám” bà…
“-Mà đồng lương hưu của tôi nào có nhiều nhặn gì, mỗi tháng chỉ 1,4 triệu đồng…” – Bà Vân tâm sự – “-Nhưng nghèo thì nghèo, tôi vẫn lo được. Chỉ cần chúng nó đừng nghiện ngập nữa là tôi mừng!”.
Lúc chia tay chúng tôi, Bình tiễn ra tận cổng, và nói:
- Nói thật với các anh, hồi còn nghiện, em quên hết, bất chấp mọi chuyện. Nay “tỉnh lại” mới thấm thía, mới thấy thương mẹ. Em nhất định sẽ giúp em em cũng dứt bỏ hẳn ma tuý để mẹ em bớt khổ…
Tôi bắt tay Bình, rồi nhìn ra khu vườn trước nhà. Khu vườn đơn sơ nhưng nhờ bàn tay chăm sóc của người mẹ nên cây cối rất xanh tốt. Và dưới làn mưa bụi đầu xuân, những chồi non đang nhú mầm, tràn trề sức sống… Bỗng dưng tôi chợt mường tượng thấy giao thừa đang tới, và trong ngôi nhà này, cả gia đình bà Vân, con trai, con dâu, cháu nội… đang ngồi quây quần bên nhau đón xuân… Có lẽ đã rất lâu rồi, bà chưa được tận hưởng cái không khí đầm ấm như vậy!
http://www.baoquangninh.com.vn