(VTC News) – Điều mà đoàn phóng viên chúng tôi trăn trở nhất trước khi lên đường là phải tìm cho được bằng chứng cụ thể, để xác minh những đồn thổi về loại thuốc có công hiệu đặc biệt này…
Ông Ngô Xuân Sáo, Trưởng Công an xã Nghĩa Thái, Tân Kỳ, Nghệ An (người đeo thẻ) trao đổi với những người đến cai nghiện tại trại của anh Ngọc
Những ngày đầu tiên khi cơ sở cai nghiện của ông Ngọc được nhiều người tìm đến chữa trị cũng là lúc ông phải chịu đựng búa rìu dư luận. Bà con hàng xóm nghi ngờ đây là một cơ sở ma, sinh ra chỉ để kiếm lời và còn rước trộm về làng.
Ông Ngọc không biện minh nhiều, khi có lệnh cấm từ chính quyền, ông lẳng lặng kí vào cam kết nếu có bất kì điều gì xảy ra, ông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ông nói: “Tôi không có ý định hại người và thu lời bất chính. Tất cả những gì tôi làm sẽ được minh chứng bằng số người nghiện tìm đến tôi”.
Thực tế “im lặng” đôi khi lại trở thành “đồng ý”, “các cơ sở của tôi đã bị nhiều người dân tại khu vực đó khinh rẻ. Có người còn liên tục đổ tội nếu làng này mà mất trộm thì chỉ có cơ sở của ông gây ra mà thôi”, ông kể lại.
Thời gian qua đi, cơ sở của ông Ngọc người nghiện đến thì cứ nườm nượp. An ninh tại nhiều nơi không có vấn đề gì xảy ra. Người nghiện cai xong không quay trở lại, nhưng đã có biết bao bà mẹ, người vợ, người cha tìm đến ông Ngọc để được nói lời cảm ơn vị ân nhân đã “tái sinh” con mình. Những giọt nước mắt ân tình lã chã rơi trong những buổi gặp mặt vội vàng, nhưng với ông là cả một niềm tự hào mà ông đã đổ bao công sức, đấu tranh mới có được.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi mà điện thoại của ông cứ rung lên từng hồi. Cuộc này chưa kịp ngắt cuộc khác đã tới. Khi ông ở Tân Kỳ thì có người gọi hỏi ông địa chỉ cơ sở Biên Hoà, khi ông ở Quy Nhơn thì có người mong ông nhận cai cho chồng ở Phố Xấu… Ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Cai là phải tự nguyện. Tự nguyện thì mới thành công. Cứ gọi theo số này sẽ có người hướng dẫn!”
Để minh chứng cho bài thuốc không hề độc hại, ông Ngọc đã chuyển bài thuốc của mình lên Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y Tế) để tiến hành kiểm tra và làm các xét nghiệm.
Loài động vật được đem ra thí nghiệm là loài chuột nhắt trắng giống Swiss với số lượng 40 con. Sau 7 ngày tiêm thuốc và theo dõi, ngày 19/6/2009 Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã có kết luận: “Mẫu thuốc cai nghiệnTVN của Cơ sở cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc gửi tới yêu cầu thử độc tính cấp trên chuột nhắt trắng có kết quả như sau: Cho chuột uống nguyên mẫu thử với mức liều từ 20,0ml – 60,0ml mẫu thử/kg chuột/ngày không nhận thấy có biểu hiện khác thường giữa các nhóm thử nghiệm so với nhóm chứng, không nhận thấy biểu hiện ngộ độc trên chuột trong thời gian theo dõi. Tất cả chuột đều ăn uống, hoạt động bình thường. Không xác định được liều gây chết 50% động vật thí nghiệm (LD50) vì không tìm được liều gây chết chuột”.
Anh Phạm Thái Bình, cán bộ tư pháp phường Tân Mai, TP.Biên Hoà người đã liên hệ với anh Ngọc để cùng phối hợp mở trại cai nghiện ngay tại nhà mình
Ngày 21/11/2009, ông Tiêu Vĩnh Ngọc tiếp tục gửi đơn đề nghị lên Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc xin nghiệm thu về bài thuốc cai nghiện ma tuý và bài thuốc chống lệ thuộc ma tuý. Ngày 11/12/2009, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ TB và XH) đã có công văn số 679/PCTNX-TCCB trả lời đơn của ông Ngọc với nội dung hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia công tác cai nghiện tuý. Tuy nhiên, việc nghiệm thu bài thuốc cai nghiện ma tuý và bài thuốc chống lệ thuộc ma tuý thuộc thẩm quyền của Bộ Y Tế.
Từ thời gian đó đến nay, ông Ngọc vẫn tiếp tục gửi đơn lên Bộ Y Tế xem xét bài thuốc của ông và đang chờ các cơ quan chức năng tiếp tục trả lời.
Sau đó, GS. Viện sỹ Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nay là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và BS Phạm Ngọc Bích, giảng viên cao cấp về bệnh học nhiệt đới truyền nhiễm, Uỷ viên thư ký khoa học, Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu sức khoẻ và môi trường (Tổng hội Y học Việt Nam) cùng cộng sự đã có dịp về thăm cơ sở của ông Tiêu Vĩnh Ngọc tại Quảng Ninh. Chúng tôi đã liên lạc với GS Phạm Song về bài thuốc của ông Tiêu Vĩnh Ngọc.
Người nghiện đã dần mất cảm giác sợ nước khi bắt đầu cai tại trại của anh Ngọc
GS cho biết ông rất quan tâm tới bài thuốc này. Việc sử dụng các thảo dược để bào chế, tổng hợp thành bài thuốc cai nghiệ là hướng đi đúng, sẽ mang lại hiệu quả to lớn. GS Song rất hài lòng về kết quả điều trị cai nghiện: “Việc bài thuốc của anh Tiêu Vĩnh Ngọc đã được xét nghiệm không có độc tố, cũng không gây tác dụng phụ có hại cho sức khoẻ người bệnh, mà lại có hiệu quả “cắt cơn” nhanh chóng, có khả năng làm mất thói quen thèm, đói, đòi thuốc nghiện… là những tiền đề tốt để giới khoa học tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế”.
GS Phạm Song cũng thông báo, theo kết quả theo dõi trong vòng một năm thì tỷ lệ người cai nghiện ma tuý thành công không tái nghiện tại cơ sở của ông Ngọc là 60 – 80%, trong khi đó tỷ lệ tái nghiện ở nước ta hiện nay còn khá cao, hơn 80%.
Mỗi khu trại đều có những bảng theo dõi đối với mỗi người cai
Hiện GS Phạm Song cũng đang vận động các đồng nghiệp của mình vào cuộc để nghiên cứu và đánh giá chất lượng bài thuốc của ông Tiêu Vĩnh Ngọc. Theo GS, nếu thành công đây sẽ là một bước tiến lớn đối với nền y học nước nhà. Bởi các nhà y học trên thế giới hiện vẫn đang bế tắc trong công cuộc sáng chế ra loại thuốc đặc hiệu cho người nghiện.
Mới đây, sau khi bài thuốc của ông Ngọc được giới y học quan tâm. UBND Tỉnh Hà Giang đã đồng ý cho Công ty TNHH Tổng hợp Bảo Cường liên kết với cơ sở cai nghiện của Ông Tiêu Vĩnh Ngọc tổ chức cai nghiện ma tuý cộng đồng có hiệu quả thiết thực, giảm số người nghiện trên địa bàn tỉnh.
Giáo sư Phạm Song (người đeo kính) nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đến tìm hiểu các trại cai nghiện của anh Ngọc ở Quảng Ninh
Hiện nay hầu hết các cơ sở cai nghiện của ông Ngọc không còn phải hoạt động “chui” như trước đây nữa. Cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã lên tiếng ủng hộ phương thức cai nghiện của ông. Hàng trăm người nghiện thập phương tìm đến các cơ sở của ông để mong muốn thoát khỏi “cái chết trắng”. Nhưng để đảm bảo thành công, mỗi người nghiện đến cai ông đều bắt họ viết giấy cam đoan là đến đây sau khi đã có sự bàn bạc kỹ với gia đình và bản thân họ tự nguyện đồng ý cai.
Trong cuộc hành trình, ông Ngọc có tâm sự một điều khiến tôi tâm đắc mãi: “Con người sinh ra không ai là xấu xa cả. Họ vô tình và không ý thức được bản thân nên đã bị những cám dỗ của cuộc sống xô đẩy. Đến lúc họ nhận thức được và muốn trở lại làm người tốt thì xã hội không cớ gì mà không dang tay đón nhận, giúp đỡ họ trở lại sống có ích cho bản thân, gia đình và đất nước. Phương thuốc của tôi chỉ là phần nhỏ, tình người trong xã hội mới là bài thuốc đắt giá nhất”.
Dương Lãng Hoàng