tieuvinhngoc

Cẩm Phả có một “Trung tâm cai nghiện chui”…

30/06/2020 Admin 0 Bình luận

Gọi là “Trung tâm”… cho oai thôi, thực ra ở đây chẳng có ban, bệ gì cả và “bộ máy nhân sự” của “Trung tâm”, ngoài anh Tiêu Vĩnh Ngọc (năm nay 44 tuổi), là người đứng ra thành lập và trực tiếp cai nghiện cho các đối tượng, gần năm nay mới cũng chỉ có thêm ba, bốn người khác, vốn là những “con nghiện” đã được anh Ngọc chữa khỏi, rồi tình nguyện ở lại làm “trợ lý”… Tất cả chỉ có thế, nhưng “tiếng lành đồn xa”, không chỉ những người mắc nghiện ma tuý trên địa bàn Quảng Ninh, mà cả những người từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội, Thanh Hoá v.v… cũng tìm đến…

Chúng tôi cũng tìm đến! Và thật sự bất ngờ, bởi mặc dù vậy nhưng cơ sở cai nghiện này lại đang hoạt động… chui, chưa hề được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề.

Các “bệnh nhân” của anh Ngọc ngồi trò chuyện với bà con xóm giềng rất thoải mái ở quán nước

Kỳ 1: NHỮNG ĐIỀU MẮT THẤY TAI NGHE

Tôi cùng nhà báo Tạ Kim Hùng (năm nay đã 76 tuổi) và đạo diễn truyền hình Trần Phương đến thăm cơ sở cai nghiện ma tuý của anh Tiêu Vĩnh Ngọc (ở tổ 37, phường Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả) chỉ cách đây mấy ngày. Nhà báo Tạ Kim Hùng vốn là người có nhiều “duyên nợ” với cơ sở cai nghiện này. Cách đây chừng độ hơn một năm, ông đã có bài viết đăng trên báo Tiền Phong, giới thiệu về phương pháp cai nghiện ma tuý mà anh Tiêu Vĩnh Ngọc đang áp dụng tại đây. Sau khi báo đăng bài viết của ông, số người đến đây xin cai ngày càng đông hơn; nhưng ông thì lại gặp những rắc rối từ phía cơ quan chức năng. Bởi lẽ đây là cơ sở cai nghiện ma tuý chưa có giấy phép hành nghề và bài thuốc mà anh Tiêu Vĩnh Ngọc dùng để cai nghiện không nằm trong “phác đồ điều trị của Bộ Y tế”…

Nhưng rõ ràng là nó (ý chỉ anh Tiêu Vĩnh Ngọc) đã cứu được rất nhiều người thoát khỏi ma tuý – Nhà báo Tạ Kim Hùng nói với chúng tôi – Trong khi nhà nước tốn kém bạc tỷ để tổ chức các trung tâm cai nghiện mà hiệu quả chưa thể nói là tốt được, thì sao lại không khuyến khích nó cơ chứ? Nhất lại là khi qua xét nghiệm đã xác định loại thuốc mà nó dùng “không có chất ma tuý”  (như báo cáo của cơ quan công an) và tuy nếu dùng quá liều “có thể gây rối loạn tiêu hoá, kích động, mất ngủ” nhưng cũng “chưa đến mức gây độc hại” (như báo cáo của Sở Y tế)…

Vì thấy một nhà báo lão thành, vốn là người rất được đồng nghiệp kính trọng về mặt nhân cách trong nghề, nói như vậy, nên chúng tôi quyết định đi cùng ông đến cơ sở cai nghiện này để cận mục sở thị…

Và thoạt đầu thú thực là tôi rất ngạc nhiên khi vừa xuống xe thì nhà báo Tạ Kim Hùng chỉ ngay một người đang ngồi ở quán nước, nói với chúng tôi: – Thằng Ngọc đấy! Bắt tay Tiêu Vĩnh Ngọc, tôi ngó quanh chẳng thấy đâu là “cơ sở cai nghiện” cả, liền hỏi; Ngọc chỉ dãy nhà cấp 4 gần đó (gồm 2 phòng mà lúc đầu tôi cứ tưởng là khu nhà trọ của học sinh, sinh viên), bảo: “- Em thuê hai căn phòng này làm nơi hành nghề?”. Tôi lại hỏi: “-Thế không có phòng cách ly khi cắt cơn như ở các Trung tâm cai nghiện tập trung sao?”. Tiêu Vĩnh Ngọc quay sang nhìn mấy thanh niên đang ngồi cùng ở quán nước, cười: “- Em quên chưa giới thiệu, đây là những “bệnh nhân” đang điều trị của em đấy! ở đây ngay từ ngày đầu tiên vào cai cho đến khi “xuất viện”, không ai phải “cách ly” cả; không những thế, em còn khuyến khích họ gần gũi nhau trò chuyện hoặc đi dạo chơi v.v.. Tâm trạng có thư thái, thoải mái thì hiệu quả của thuốc mới càng tốt, mới nhanh hồi phục!”

Tôi đã từng đến Trung tâm cai nghiện ma tuý ở Vạn Cảnh (Vân Đồn), đến Trung tâm lao động xã hội ở Vũ Oai (Hoành Bồ), cũng đã từng chứng kiến việc cai nghiện tại nhà của nhiều “con nghiện”… Nhưng quả thực chưa thấy ở đâu để “cắt cơn”, người ta lại không dùng những  “biện pháp mạnh” (như xích tay, xích chân; chí ít thì cũng phải nhốt trong phòng cách ly v.v…) như ở đây. Cả hai phòng  “điều trị” của Ngọc cửa đều mở toang; và vì đây là dãy nhà mặt phố nên tất nhiên cũng chẳng có tường cao, rào sắt gì hết! Lúc  chúng tôi vào, có khoảng hơn 10 người đang ở trong phòng. Một số ngồi chơi, xem ti vi, số khác thì đang thiu thiu ngủ. Tôi hỏi Nguyễn Trung Thành, một trong mấy người hiện đang giúp việc cho Tiêu Vĩnh Ngọc, thì được biết mấy người kia vừa mới “nhập viện”. Thành bảo: “- Trông vậy thôi nhưng chỉ một hai ngày dùng thuốc xong, họ sẽ khác ngay!”. Vui chuyện, Thành còn kể cho chúng tôi nghe lý do vì sao anh đến đây, rồi tình nguyện ở lại đây. Thì ra Thành cũng là một “con nghiện” vào loại nặng ở Nam Định; anh sa vào ma tuý từ những năm đầu thập kỷ 90, khi đang là sinh viên trường Đại học Tài chính. Cũng từng đã cai nghiện, nghĩ là có thể “làm lại cuộc đời” được rồi; thậm chí còn đi học thêm bằng hai tại chức Trường Đại học Thuỷ lợi; thế nhưng, do không thoát được sự cám dỗ, anh lại tái nghiện. Cho đến dịp đầu năm vừa rồi, tình cờ đọc trên báo thấy nói về anh Tiêu Vĩnh Ngọc, Thành quyết định tìm ra Cẩm Phả…

- Đã từng cai nghiện rồi nên em rất hiểu vì sao người nghiện thường rất sợ khi đi cai – Thành nói – Cái cảm giác “dòi bò” trong xương do “vã thuốc” trong quá trình “cắt cơn” nó khủng khiếp lắm anh ạ. Nhưng mấy ngày đầu cai ở đây em không có cảm giác ấy. Sau đó, tuy cũng có lúc bồn chồn, tâm trạng hơi thất thường, song chỉ một thời gian thì ổn định dần và không còn thấy thèm, nhớ thuốc nữa…

Tôi hỏi Thành vì sao lại quyết định ở lại giúp việc cho Tiêu Vĩnh Ngọc, anh tâm sự rất thật: “- Lúc anh Ngọc đề nghị, em suy nghĩ rất nhiều! Em bây giờ đang không có việc làm (vì phát hiện Thành nghiện ma tuý nên cơ quan cũ của anh ở Nam Định đã cho anh thôi việc); vả lại là một “con nghiện có thâm niên” nên em biết ma tuý có sức cám dỗ như thế nào! Bây giờ thực sự đã không còn cảm giác thèm thuốc, nhớ thuốc gì nữa, nhưng nếu trở lại môi trường cũ, gặp những “bạn nghiện” cũ, liệu có giữ mình được không? Cho dù là “thuốc tiên” đi chăng nữa mà người nghiện không có ý chí, không quyết tâm, thì vẫn “ngựa theo đường cũ” mà thôi. Vì thế, tốt hơn hết là cứ ở đây giúp việc cho anh Ngọc một thời gian để thực sự cảm thấy mình đủ tự tin đã…”.

Ngừng một lát, Nguyễn Trung Thành nói tiếp: “- Với lại em thấy ở đây cũng tốt, ít ra mình là “người đi trước” nên cũng có kinh nghiệm để giúp đỡ những người cùng cảnh như mình vượt qua khó khăn trong quá trình cai nghiện!

Cùng ngồi ở quán nước trước cửa “Trung tâm cai nghiện” còn có khá nhiều những người, hoặc là đã cai xong rồi ở lại giúp việc cho
Tiêu Vĩnh Ngọc, như Nguyễn Trung Thành (người vừa nói ở trên) hay Lục Ninh Bình (quê Cẩm Phả); lại có người từng cai trước đây, nay lại đưa người quen tới cai, như Nguyễn Văn Loan (quê Hà Nội) v.v…, Nguyễn Tiến Nam (quê Lạng Sơn) v.v… Ngoài ra còn có cả những người dân đang sinh sống quanh khu vực khi thấy chúng tôi đến tìm hiểu về cơ sở cai nghiện ma tuý của Tiêu Vĩnh Ngọc, cũng chủ động vào góp chuyện. Và hầu như ai cũng đều có thiện cảm với anh Ngọc. Một cô gái còn rất trẻ, qua trò chuyện có vẻ rất thân mật với những người xung quanh; tôi hỏi thì mới biết chồng cô cũng từng cai nghiện thành công tại đây…

“Không phải chỉ một, hai người đâu, cả khu phố này đều quý mến Ngọc”- Chị Trương Thị Hiển, một giáo viên nghỉ hưu ở cùng dãy phố, nói với chúng tôi – Bởi từ ngày có cơ sở cai nghiện này, nhiều gia đình có người thân nghiện ma tuý đã được Ngọc cai nghiện cho; không những thế, trái với điều lo ngại ban đầu, tình hình an ninh trật tự trong khu vực cũng trở nên ổn định hơn”.

Chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi (và mặc dù không có sự hẹn trước) nhưng chúng tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều người, nghe được rất nhiều ý kiến tốt đẹp từ phía những người đã từng hoặc hiện đang cai nghiện tại đây cũng như những người dân trong khu phố, khi nói về cơ sở cai nghiện này! Thế nhưng vì sao suốt hơn hai năm nay, họ vẫn đang “hoạt động chui”? – Đây là điều mà tôi cứ băn khoăn, muốn tìm hiểu rõ ràng hơn!

* Kỳ 2: Đi tìm lời giải đáp

Miền Nam: 0902103608 Miền Bắc: 0946421182
popup

Số lượng:

Tổng tiền: