tieuvinhngoc

Bài cuối : Chuyện ngày mai của những công dân tí hon

30/06/2020 Admin 0 Bình luận

Tôi gặp khi các em đã bình tâm trở lại sau một hành trình bị bắt, bị tập trung thẩm vấn tại Thái Lan, và trở về Việt Nam. Nơi đất mẹ bình yên, các em cũng cảm thấy thanh thản hơn thật nhiều. Các cô gái T.Thảo, H. Hà, L. Xương, M. Hồng, T. Bình đều đang mang bầu ở những tháng cuối thai kỳ. Bằng giọng nói lành lành của cô gái vùng quê miền Tây Nam Bộ, Thảo vừa rớm nước mắt vừa kể cho tôi về hoàn cảnh gia đình em.

Nhà Thảo nghèo đến độ trời mưa không có chỗ ngủ vì mái nhà dột lỗ chỗ. Em không được đi học nên phải điểm chỉ vào các bản lời khai. Cuộc đời đã khổ, lại gặp ngay một gã “Sở khanh”. Lúc đầu, anh ta nói yêu thương Thảo, sẽ bảo bố mẹ ngoài Bắc vào hỏi cưới em. Nhưng ngày Thảo báo tin có thai là ngày anh ta tráo trở. Anh ta bắt Thảo bỏ thai không được đã bỏ đi mất dạng. Nhiều đêm, nhìn bố mẹ già gày gò lại chịu thêm nỗi tủi hổ vì con gái không chồng mà có thai, Thảo cũng đắng lòng ghê gớm. Nhưng em lại thương giọt máu trong bụng, nó chẳng có tội tình gì.

Thế là, một ngày, Thảo âm thầm ra đi, xin vào làm ở một xưởng lột tôm ở cách nhà khá xa để lấy tiền sinh nở. Tuy không có nhiều tiền nhưng được mọi người cưu mang nên mẹ tròn con vuông. Khi con lớn chút, Thảo mang con về xin lỗi bố mẹ, rồi gửi con để đi giúp việc nhà cho người ta. Rồi người ta bày cho Thảo việc đi đẻ thuê bên Thái Lan. Thảo đã từng sinh con, đã từng một lần vượt cửa tử, biết thế nào là nỗi nhọc nhằn của việc sinh đẻ nhưng em không còn cách nào khác. Ước mơ của em là có tiền để mua lại một sạp bán rau ở chợ, đắt hàng thì bố mẹ và con trai được ăn thịt, ăn cá, không thì cũng có rau mà ăn cho đỡ xót lòng.

“Khi em sang, cũng bị bà Khoa (vợ ông chủ Pành) chửi mắng vì chuyện kinh nguyệt không đều. Em đòi về thì bà ta bắt trả 20 triệu đồng tiền chi phí. Em lấy đâu ra, đành nhịn nhục để hoàn thành hợp đồng”.

2 em gái H.Hà và T.Thảo đau đớn: “Em lấy đâu tiền để sinh và nuôi con”

H. Hà năm nay mới 21 tuổi. Cô gái của vùng đất Bạc Liêu có nước da rám nắng của những cảnh ngộ vất vả. Nhà Hà lợp bằng lá, bé xíu mà có đến 6 anh chị em. Các anh chị lấy chồng, lấy vợ cũng nghèo xác xơ. Hà là con út, ở với ba mẹ. Ba đi đào đất thuê, mẹ đi lột tôm. Thế nhưng, gần đây, ba Hà bị bệnh phổi nước, mẹ thì yếu, không lao động được. Hà yêu một người con trai cùng làng, nhưng ba mẹ người ấy ngăn cấm không cho đôi trẻ đến với nhau. Lý do cũng chỉ vì Hà nghèo.

Tình đầu tan vỡ, bố mẹ bệnh, cái nghèo đeo đẳng khiến Hà thấy cay đắng. Nghe người ta nói về dịch vụ đẻ thuê bên Thái Lan, dẫu mới hơn 20 tuổi, chưa từng một lần làm vợ, làm mẹ, Hà vẫn quyết ra đi làm cái nghề không thể “tưởng tượng nổi” ấy. “Em đâu có biết đẻ là gì, nhưng em nghĩ mình nghèo quá, để có tiền về báo hiếu cha mẹ thì em chấp nhận hy sinh, dù đau đớn, cay cực thế nào em cũng chịu được”.

Cả T. Thảo, H. Hà, L. Xương, M. Hồng, T. Bình đều đang mang những cái thai của người ta. Các em được đưa đến bệnh viện cấy phôi của những cặp vợ chồng hiếm muộn người Đài Loan để mang thai hộ. Họ vẫn chưa sinh đứa con mang thai hộ ra nên chưa được trả tiền công. Duy nhất chỉ có L. Xương là xin về quê để sinh con, tuy em bảo “Chắc cuộc sống trước mắt của em sẽ rất nhiều khó khăn. Nhưng em còn một vài tháng nữa mới sinh, em muốn về nhà để tìm xem có công việc gì không. Nếu em kiếm được việc nuôi được con em, dù vất vả, cực nhọc thì em cũng cố gắng giữ lại con cho riêng mình”.

4 em gái còn lại đều có nguyện vọng được ở lại những ngôi nhà tạm lánh của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để sinh con. Tuy biết rằng, mang nặng đẻ đau là con mình, nhưng các em đều lo lắng không biết lấy gì nuôi con. “Con em còn chưa nuôi nổi. Bây giờ em sinh đứa nhỏ nữa thì lấy gì mà nuôi” – Thảo lo lắng thật sự. Còn Hà, em bảo: “Ngày em bị bắt do đường dây bị vỡ, em được gọi điện về cho mẹ, mẹ em khóc ngất, kêu em về. Nhưng em về thì bố mẹ nuôi em sao nổi. Tiền sanh còn chẳng có, sau này lại còn tiền nuôi con. Lấy đâu bây giờ hả chị?”. Nghèo quá nên các em chẳng dám nghĩ đến chuyện nuôi những đứa con trong bụng, những đứa trẻ đã và sẽ 9 tháng 10 ngày buồn vui với cảnh ngộ của họ. Chẳng có gì đau đớn bằng việc dứt những đứa con xa rời người mẹ. Nhưng cũng chẳng thể trách các em…

Trong số 10 cô gái trở về lần này có 2 chị em ruột trẻ nhất đám, trong đó cô chị tên Thành, 21 tuổi, đã từng sinh con và giao con cho phía công ty đẻ thuê bên Thái Lan. Thành kể, cả hai chị em cùng phải đi giúp việc trên Sài Gòn nhưng tiền không đủ chi phí cho một gia đình có người cha nghiện ma tuý. Cách đây gần 3 năm, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Thành đã theo người của đường dây qua Thái Lan đẻ thuê. Em đã được cấy phôi và sinh được 1 bé trai rất kháu khỉnh. Thành bảo, người của công ty bảo phôi của vợ chồng người Đài Loan nhưng sao đẻ ra đứa bé em thấy giống mình ghê gớm, cũng mắt một mí, cũng cái mũi xinh xinh.

Ngày đầu tiên đưa con về với mẹ, thấy đứa nhỏ khóc quá, Thành đã vạch áo cho con bú dù quy định của công ty không cho phép. 5 ngày ở cùng con trong bệnh viện, Thành đã lén cho con bú. Nhìn đứa con xinh xắn, cái miệng chụt chụt bầu vú mẹ, bàn tay nhỏ xíu hua hua, tình mẫu tử trào dâng trong lòng cô gái trẻ. Rồi suốt 1 tháng, Thành đều đặn ngày mấy lần vắt sữa vào chai đưa người của công ty mang đến bệnh viện cho đứa bé bú. Dù họ bảo không phải con của em nhưng những ngày chắt chiu từng giọt sữa nuôi con đã khiến Thành thấy mình yêu thương con như máu thịt của mình.

Ngày vào bế con trong bệnh viện ra giao cho vợ chồng người Đài Loan (theo yêu cầu của luật pháp Thái Lan, người mẹ đẻ đứa bé ra phải bế con ra khỏi bệnh viện và ký vào các biên bản cho nhận con nuôi), Thành định cho con bú lần cuối nhưng họ không cho, sợ em sẽ nuối tiếc mà không giao con. Cho đến bây giờ, khi đã thêm một lần nữa bước chân sang đất khách để làm nghề đẻ thuê, Thành vẫn không thể quên được đứa con đầu tiên mà mình đã sinh ra. Nhiều đêm, em nằm mơ thấy mình đưa con đi chơi, thấy đứa bé giơ tay ôm mẹ… Tỉnh dậy, Thành thấy nước mắt mình đẫm gối. Thành hỏi tôi mà như một lời than vô vọng: “Chị ơi, con em đi làm con nuôi ở nơi xa thế. Cho đến cuối cuộc đời này, chẳng biết em có còn bao giờ gặp lại đứa con của mình không?”.

Kể lại câu chuyện của Thành, tôi muốn nói rằng, các em gái trong đường dây này cũng đau đớn lắm nếu phải dứt bỏ những đứa con mình sinh ra, dù nó được người ta nói rằng không phải là con ruột của các em. Nhưng nghèo quá nên các em chẳng dám nghĩ đến chuyện nuôi những đứa con trong bụng, những đứa trẻ đã và sẽ 9 tháng 10 ngày lớn lên bằng máu thịt của họ, buồn vui với cảnh ngộ của họ. Chẳng có gì đau đớn bằng việc dứt những đứa con xa rời người mẹ. Nhưng cũng chẳng thể trách các em…

Những ngày tới, sẽ tiếp tục có 5 nạn nhân cuối cùng của đường dây đẻ thuê nói trên trở về Việt Nam cùng với 5 đứa trẻ họ đã sinh ra tại Thái Lan. Theo chúng tôi được biết, hoàn cảnh của những nạn nhân – người mẹ ấy cũng cực kỳ khó khăn. Vì thế, chuyện họ có thể nuôi được con mình hay không cũng là một bài toán khó.

Người viết bài chỉ có một mong muốn, đó là các em có được một việc làm có thu nhập tương đối, dù đối với các em mơ ước rất nhỏ nhoi như một sạp bán rau, một cái máy may công nghiệp… Lúc đó, với bản chất lam làm, chịu thương chịu khó, chắc các em sẽ chẳng bao giờ phải dứt ruột cho đi đứa con do mình mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày và cũng chẳng bao giờ phải nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu để làm cái nghề tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm và nghe rất đau đớn: đẻ thuê.

Hoặc nếu có thể, một trung tâm bảo trợ xã hội nào đó nới rộng điều kiện, cho các em gái gửi gắm đứa con của mình. Các em có thể đến thăm các cháu và khi cuộc sống có điều kiện hơn, họ được đón đứa con của mình trở về đoàn tụ?

Trung tá Đoàn Thế Vinh, Phòng 6 Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Trưởng đoàn công tác sang tham dự cuộc họp liên quan đến vụ việc này tại Thái Lan cho biết: Không khó để xác định quốc tịch

Pháp luật Thái Lan quy định đứa trẻ do mẹ nào sinh ra thì sẽ mang quốc tịch của người mẹ đó. Do vậy, những trường hợp trẻ đã sinh ra tại Thái Lan sẽ theo quốc tịch của mẹ là người Việt Nam. Còn theo đại diện Văn phòng Văn hoá và kinh tế Đài Bắc – Đài Loan (Trung Quốc), Đài Loan không có Luật nào quy định về việc xác định quốc tịch cho đứa trẻ được sinh và sẽ xác định quốc tịch cho các trường hợp trẻ đã sinh căn cứ theo pháp luật Thái Lan. Với những đứa trẻ đã được sinh ra, trong trường hợp bố mẹ người Đài Loan có nguyện vọng nhận lại con, phía Đài Loan sẽ tiến hành các thủ tục nhận làm con nuôi. Và 5 trường hợp đang mang thai, phía Đài Loan sẵn sàng tìm bố mẹ thật của đứa trẻ để tiến hành các thủ tục nhận làm con nuôi.

Anh Tiêu Vĩnh Ngọc (áo kẻ), trú tại phường 2 quận Bình Thạnh, TP HCM: Muốn trợ giúp lâu dài cho các cháu.

Anh Tiêu Vĩnh Ngọc cho biết đã từng có thời gian làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên hiểu rõ về những cảnh ngộ nghèo khổ ở mảnh đất này. Qua bài báo về hoàn cảnh đặc biệt của những nạn nhân trong đường dây đẻ thuê bên Thái Lan, anh có nguyện vọng muốn đóng góp để giúp 5 người mẹ đang mang thai có tiền dưỡng thai và nuôi con. Anh sẽ trợ giúp lâu dài cho mỗi trường hợp 500 ngàn đồng/ tháng (nếu những người mẹ này giữ và nuôi con).

Miền Nam: 0902103608 Miền Bắc: 0946421182
popup

Số lượng:

Tổng tiền: